Những năm gần đây, khi việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu không còn là bài toán khó thì tình trạng thiếu nguyên liệu lại khiến nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đau đầu bởi bao phen mất cơ hội làm ăn cũng như mở rộng thị trường…
Thiếu từ Bắc vào Nam
So với cùng kỳ năm 2012, năm nay, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn, thiếu bền vững và chưa đạt kế hoạch. Ngoài các khó khăn về vốn, thị trường, lãi suất ngân hàng và hàng loạt chi phí phát sinh…, các nhà máy chế biến thủy sản còn phải đối đầu với tình trạng thiếu nguyên liệu, phải hoạt động cầm chừng để giữ chân lao động.
Ông Vũ Bá Dũng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Nông thôn (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng) cho biết, tại Hải Phòng hiện có 38 cơ sở chế biến thủy sản, nhưng do thiếu nguyên liệu trầm trọng nên chỉ sản xuất khoảng 30% công suất thiết kế.
Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn Hải Phòng giải thích, nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu nguyên liệu là vì nguồn thủy sản gần bờ đã có dấu hiệu cạn kiệt. Trong khi đó lại không thể thực hiện đánh bắt xa bờ, vì phương tiện đánh bắt của ngư dân lạc hậu, tàu thuyền công suất nhỏ…
Tại Quãng Ngãi, tình trạng cũng không mấy khá hơn. Cửa biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) bị bồi lấp, hàng loạt tàu cá phải dạt đến những cảng biển khác trong và ngoài tỉnh, khiến gần 30 cơ sở chế biến thủy sản tại Phổ Thạnh đang ăn nên làm ra tại trở nên “đìu hiu” vì khan hiếm nguyên liệu.
Nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến để xuất khẩu – Ảnh: An Đăng
ĐBSCL, nơi được xem là vựa thủy sản lớn nhất nước nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến vẫn liên tiếp diễn ra nhiều năm nay. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hầu như chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, nên tình trạng tôm chết hàng loạt những tháng đầu năm 2013 khiến không ít doanh nghiệp gặp khó. Đối với các doanh nghiệp cá tra, tình hình tuy có khả quan hơn bởi hiện hầu hết doanh nghiệp lớn đã chủ động được 60 – 70% nguồn nguyên liệu; nhưng vẫn khó đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa khi phải tự xoay sở theo nhiều nguồn khác nhau như: mua trong dân, mua lại các nhà máy có vùng nuôi lớn…
Rủi ro vì nhập khẩu
Trước tình trạng khan hiếm nguyên liệu, đa số doanh nghiệp thủy sản chọn giải pháp nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để đáp ứng hợp đồng với bạn hàng và ổn định sản xuất. Mấy tháng đầu năm 2013, do nguồn cung nguyên liệu trong nước gặp khó nên phần lớn lượng hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp (như Minh Phú, Minh Hải, Sao Ta, Quốc Việt…) đều phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên liệu cũng không dễ, vì thủ tục phức tạp, mức thuế cao và thường bị nhà xuất khẩu ép giá…
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Thủy sản Bình Định chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu được là nhờ vào 60 – 70% nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ châu Á. Nhìn chung chất lượng nguyên liệu nhập khẩu khá tốt nhờ công nghệ đánh bắt, bảo quản hiện đại; nhưng do có nhiều nước cũng muốn nhập nên họ nâng giá bán. Doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận nếu muốn có hàng chế biến kịp giao khách hàng. “Giá nguyên liệu đầu vào cao nhưng giá sản phẩm đầu ra lại thấp vì hợp đồng đã được ký nhiều tháng trước đó, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí lỗ”, bà Lan cho biết thêm.
Đại diện một doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu có tiếng tại ĐBSCL cho rằng, mặc dù đã chọn nơi xuất khẩu nguyên liệu uy tín như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh… với giá bán hợp lý (rẻ hơn 15.000 – 20.000 đồng/kg so với tôm Việt Nam) nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rủi ro, bởi rất khó kiểm soát các chất cấm (như Ethoxyquin) trong tôm và truy xuất nguồn gốc. Nếu đem chế biến để xuất khẩu, rất dễ đụng hàng rào kỹ thuật từ các thị trường khó tính và có thể bị trả hàng.
Gỡ khó cách nào?
Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, bài toán nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu phải được giải quyết bằng cả hai giải pháp là nâng cao sản lượng trong nước và tăng cường nhập khẩu nguyên liệu. Ngoài ra, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu muốn phát triển vững vàng và chủ động trong đàm phán giá cả với đối tác thì tất yếu phải xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để quản lý chất lượng đầu vào đầu ra.
Đồng thời, cần năng động mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng tiềm năng bên cạnh những thị trường chủ lực mà doanh nghiệp đã có. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường chưa mấy sáng sủa thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Trải qua nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam nửa đầu năm 2013 vẫn đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 0,3% so cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này không quá cao nhưng trong bối cảnh “khó chồng khó” như hiện nay cũng đủ chứng tỏ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam vốn rất năng động.
>> Năm 2013, nguyên liệu nhập khẩu dự kiến tăng khoảng 20% so với năm 2012, cả năm sẽ tiêu tốn khoảng 0,85 – 1 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ cho chế biến xuất khẩu. |