Ngày 11/12/2012, Bộ NN&PTNT cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị “Phát triển thủy lợi khu vực ĐBSCL”, Tổng cục Thủy lợi đã công bố Quyết định số 84/2006/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch thủy lợi tổng thể giai đoạn 2012 – 2020 và định hướng đến năm 2050 cho 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Còn nhiều bất cập
ĐBSCL có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,76 triệu ha, hàng năm đóng góp 53% sản lượng lương thực, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước… Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ đã có nhiều dự án dài hạn để phát triển thủy lợi, góp phần cải tạo đất, biến hàng triệu ha đất chua phèn, nhiễm mặn thành đất sản xuất cho năng suất cao. Nhiều công trình thủy lợi phục vụ cả sản xuất nông nghiệp lẫn nuôi trồng thủy sản; Giao thông và xây dựng cụm tuyến dân cư và đê bao chống lũ phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh rất hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Toàn vùng ĐBSCL hiện có 5 hồ chứa, 1.221 trạm bơm quy mô từ vừa đến lớn, hàng ngàn trạm bơm quy mô nhỏ, 2.447 cống; hệ thống kênh trên 80.000km…; có khoảng 25.900 km bờ bao chống lũ bảo vệ lúa hè thu, 460 km đê biển, 1.600 km đê sông và hơn 200 km đê bao giữ nước chống cháy. Các công trình thủy lợi có tổng diện tích tưới thiết kế cả năm trên 3,773 triệu ha, thực tế tưới được trên 3,126 triệu ha, đạt trên 80% công suất thiết kế và cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và các ngành kinh tế khác…
Tuy nhiên, theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, công tác quản lý quy hoạch của địa phương còn nhiều hạn chế; còn bất cập về kết hợp quy hoạch giữa các ngành và lĩnh vực. Công tác quản lý vận hành, duy trì, bảo dưỡng chưa được chú trọng. Hầu hết các công trình, hệ thống công trình chưa đủ năng lực ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Hoàn thiện hệ thống thủy lợi
Quyết định 1397/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 – 2020 và định hướng đến năm 2050 có mục tiêu tổng quát là tạo ra hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Quy hoạch đảm bảo an toàn dân sinh, sản xuất, cơ sở hạ tầng cho khoảng 32 triệu dân ĐBSCL (số liệu ước tính đến năm 2050), trong đó khoảng 20 triệu dân vùng ngập lũ và 12 triệu dân vùng ven biển. Từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn ổn định cho khoảng 1,8 triệu ha đất lúa vùng ĐBSCL; đề xuất giải pháp cung cấp nước ngọt, nước mặn ổn định và bền vững cho khoảng 0,7 triệu ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt trong vùng.
Nạo vét trục kênh thủy lợi phục vụ nhu cầu phát triển thủy sản – Ảnh: Phan Thanh Cường
Tổng cục Thủy lợi cho biết: Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL nhằm tạo ra hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp để từng bước thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, quy hoạch nhằm xác định các chương trình, dự án ưu tiên và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2012 – 2020 và định hướng đến năm 2050; đề xuất các vấn đề còn tồn tại cần nghiên cứu bổ sung quy hoạch, nhất là trong điều kiện sử dụng nước thượng lưu sông Mekong.
Phát triển đồng bộ
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhấn mạnh: Để triển khai, thực hiện quy hoạch về thủy lợi đạt hiệu quả cao, Bộ NN&PTNT sớm có hướng dẫn các địa phương trong vùng tiến hành triển khai quy hoạch thủy lợi phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; trong đó quan tâm quy hoạch, phát triển thủy lợi phục vụ đa mục tiêu (gồm: sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản); đặc biệt, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án, công trình cấp bách, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân…
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương vận hành và sử dụng có hiệu quả các hệ thống thủy lợi; đồng thời, cần tập trung hoàn thành sớm các công trình đang thi công, phát huy hiệu quả từng công trình, chú ý hệ thống nội đồng, tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực thủy lợi; Có kế hoạch và giải pháp thích ứng biến đổi khi hậu… Về định hướng trong năm 2013, Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh rà soát cụ thể, chi tiết lại hệ thống thủy lợi từng địa phương. Làm rõ tác động từng tỉnh và tìm giải pháp xác định nhiệm vụ ưu tiên, bao gồm dự án, tổ chức, nghiên cứu các mặt như thủy lợi, nông nghiệp, giao thông, điện. Rà soát các pháp lệnh, luật đê điều, luật phòng chống thiên tai, rà soát bộ máy vận hành hệ thống thủy lợi, phải có tổ chức rõ ràng. Rà soát để có cơ chế hỗ trợ hoạt động và vận hành hiệu quả. Triển khai ứng dụng quản lý hệ thống thủy lợi và sử dụng nước. Đồng thời, cần vận hành nhịp nhàng giữa các bộ, địa phương và toàn dân.
>> Tổng kinh phí thực hiện quy hoạch thủy lợi khu vực ĐBSCL đến năm 2050 khoảng 171.700 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn từ 2012 – 2020 là 41.400 tỷ đồng; 2021 – 2030 khoảng 49.450 tỷ đồng và 2031 – 2050 là 80.850 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện quy hoạch được cân đối từ vốn ngân sách Nhà nước hằng năm (ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA…). Trong đó, phân theo hạng mục công trình: xây dựng đê biển khoảng 6.370 tỷ đồng; xây dựng, củng cố đê sông 11.660 tỷ đồng; kênh tiếp nước, hồ chứa 4.980 tỷ đồng; xây dựng công trình kiểm soát lũ 4.760 tỷ đồng, xây dựng các cống lớn vùng ven biển; củng cố, hoàn thiện hệ thống thủy nông nội đồng là 125.310 tỷ đồng. |