Năm 2014 đã qua tiếp tục chứng kiến những thắng lợi của ngành thủy sản. Khi toàn ngành đã huy động được tổng lực sẵn có cùng với những điều kiện khách quan, chủ quan đã tạo đà cho thủy sản có thêm được những bứt phá mới trong năm 2015 trên mọi phương diện.
Những dấu ấn
Thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản năm 2014 đạt 7,84 tỷ USD, tăng 16,5% so năm 2013 và vượt 12% so mục tiêu 7 tỷ USD được đề ra từ đầu năm; trong đó, công lớn nhờ tôm.
Năm 2014, xuất khẩu tôm đạt gần 3,95 tỷ USD, trong đó tôm chân trắng tiếp tục chiếm ưu thế 58,5%, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 46%; tôm sú chiếm 35% đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng trên 4%. Diện tích nuôi tôm cả nước. Tốc độ tăng trưởng này còn góp phần quan trọng đưa tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành lên nấc thang mới; bởi cá tra, hải sản hay nhuyễn thể, những mặt hàng thủy sản xuất khẩu quan trọng khác không mấy sáng sủa.
Với ngành cá tra, theo VASEP, tính đến hết tháng 11/2014, sản lượng cá tra xuất khẩu cả nước khoảng 718.000 tấn, giá trị 1,58 tỷ USD, tăng 0,5% về lượng và 0,4% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cả năm đạt gần 2 tỷ USD, tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước. Kết quả này chưa cao nhưng rất đáng khích lệ trong bối cảnh các doanh nghiệp cá tra chưa thoát khó khăn, các thị trường vẫn đầy rào cản.
Biến động thị trường
Năm 2014, hàng thủy sản Việt Nam xuất sang 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong top 5 quốc gia hàng đầu xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, 49 thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam (chiếm 98% tổng kim ngạch xuất khẩu) dựng rào cản, đặc biệt các rào cản về an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động thực vật, rào cản kỹ thuật và thuế chống bán phá giá… Cùng đó là những rào cản phi thuế quan mới như thị trường EU chấn chỉnh hệ thống kiểm tra chứng nhận thủy sản khai thác tự nhiên có khai báo, có kiểm soát; và tại Mỹ là Luật hiện đại hóa thực phẩm, Luật trang trại, điều tra chống bán phá giá…
Chưa kể, 4 tháng đầu năm 2014, cơ quan chức năng Nhật Bản và EU liên tiếp cảnh báo về việc phát hiện dư lượng Oxytetracycline vượt giới hạn cho phép trong các lô hàng tôm nuôi của Việt Nam. Từ 14/3/2014, Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra 100% lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam đối với chất này; đồng thời cảnh báo sẽ cân nhắc ban hành lệnh cấm/tạm ngừng nhập khẩu, nếu các vi phạm tiếp tục tăng.
Theo các chuyên gia, vấn đề rào cản ở các nước nhập khẩu không những không giảm mà còn có nguy cơ tăng mạnh. Do vậy, để ổn định tình hình kinh doanh, các doanh nghiệp phải sớm có những tiên đoán và biện pháp phòng chống, phải thay đổi phương thức, mà trước hết là chuyển từ cạnh tranh bằng giá cả sang cạnh tranh bằng chất lượng, thay đổi thói quen nuôi trồng; minh bạch và an toàn trong quá trình bảo quản, chế biến, kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào…
Tôm được xem là “điểm sáng” của ngành thủy sản năm 2014 – Ảnh: PTC
Nhập khẩu vẫn cao
Mấy năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhất là tôm, năm sau luôn cao hơn năm trước. Cùng đó, trong nước, diện tích nuôi liên tục được mở rộng, vượt xa quy hoạch của từng địa phương, sản lượng đạt khá. Tuy nhiên, nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến vẫn tăng. Năm 2014, tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản tới 1 tỷ USD, cao hơn nhiều so với cả năm 2013.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng, phải nhập khẩu để đáp ứng các đơn hàng, bởi có những thời điểm sản lượng thủy sản nguyên liệu trong nước không đáp ứng được nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp. Nhưng theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau), nguyên liệu trong nước thiếu là một phần, nhưng quan trọng hơn thế là giá nhập khẩu thường thấp hơn so với mua trực tiếp trong nước. Cuối cùng thua thiệt vẫn sẽ là nông dân, bởi khi nguyên liệu trong nước dồi dào, doanh nghiệp ì xèo trong mặc cả giá, thu mua cầm chừng để ép giá xuống thấp khiến các chủ đầm tôm được mùa mà lãi thu về chẳng đáng là bao, thậm chí hòa và thua; còn ngược lại, họ sẽ để mặc nông dân tự xoay sở…
Vẫn còn nhiều cơ hội
Nhiều chuyên gia nhận định, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới vẫn tăng; hơn nữa, thủy sản Việt Nam ngày càng xâm nhập được nhiều thị trường mới, trong khi thị trường cũ tiếp tục mở rộng thị phần…; Theo đó, trên đà tăng trưởng này cộng với điều kiện khách quan thuận lợi, thủy sản Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội hơn nữa.
Ngày 17/11/2014, Tổ chức Thương mại Thế giới đã công bố các phán quyết cuối cùng của Ban hội thẩm đối với các khiếu kiện của Việt Nam liên quan việc Mỹ áp thuế chống phá giá lên mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. Theo đó, trong 11 nội dung khiếu kiện của Việt Nam, Ban hội thẩm đã phán quyết với 7 nội dung có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, nhất là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ giá.
Cùng đó, theo dự báo, xuất khẩu tôm ở Thái Lan vẫn chưa thể hồi phục tăng trưởng cho tới giữa năm 2015. Ngoài ra, tôm Thái Lan dự kiến sẽ bị đánh thuế nhập khẩu cao hơn khi EU loại bỏ quy chế ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất khẩu Thái Lan.
Ngoài ra, yếu tố không thể không nói tới, Việt Nam đang hoàn tất các đàm phán Hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia. Ngày 10/12/2014, Việt Nam và Hàn Quốc hoàn tất vòng đàm phán. Theo đó, Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực (tôm, cá, hoa quả, hàng công nghiệp, dệt may…). Và lần đầu tiên, Hàn Quốc mở cửa thị trường cho những sản phẩm nhạy cảm cao như tỏi, gừng, mật ong, tôm…
Sẽ còn không ít khó khăn ở cả trong nước và các thị trường nhập khẩu, nhưng con số 8,5 tỷ USD/năm 2015 ngành thủy sản đặt ra có lẽ không quá xa.
>> Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát: Mục tiêu của ngành thủy sản là hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả và tính bền vững cả trong nuôi trồng và khai thác thủy sản, thông qua việc thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu ngành gắn với nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời, năm 2015, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng sẽ tập trung vào vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện tốt chuỗi liên kết… |