Thủy sản đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 3,38%; trong đó thủy sản tăng 3,76%.

Theo báo cáo tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ NN&PTNT diễn ra sáng 5/7, toàn ngành triển khai Kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm trong điều kiện biến động thị trường, thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam…Trong bối cảnh đó, Bộ và toàn ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khai thác 1,95 triệu tấn, tăng 1% (khai thác biển 1,86 triệu tấn, tăng 0,9%). Nuôi trồng 2,43 triệu tấn, tăng 4,1% (cá tra 831,8 nghìn tấn, tăng 5,4%; tôm sú 122,1 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm thẻ 332,7 nghìn tấn, tăng 5,6%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng với thủy sản là 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%. Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong số này tôm đạt 1,63 tỷ USD.

6 tháng đầu năm, tôm là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ảnh: ST

Thời gian qua, toàn ngành nông nghiệp đã thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng. 

Trong lĩnh vực thủy sản, đã tổ chức lại sản xuất, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản xuất những sản phẩm mang đặc thù, kết hợp với nhiều lĩnh vực, ngành nghề tạo thành liên kết chuỗi giá trị; phát triển tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Đã hình thành được nhiều chuỗi liên kết có hiệu quả kinh tế cao như: chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra ở An Giang, Đồng Tháo; chuỗi giá trị nuôi và chế biến, xuất khẩu ngao ở Nam Định; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá diêu hồng trong hồ thủy lợi tại Bình Định; mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE, nuôi cá chẽm quy mô lớn (tuần hoàn, khép kín) trên biển tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa; mô hình nuôi tôm sinh thái, hữu cơ ở Cà Mau, Bạc Liêu; mô hình trồng rong kết hợp với du lịch tại Khánh Hòa, Quảng Ninh.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP là 10.998 ha với 759 cơ sở được chứng nhận (tăng 1.631 ha so với cùng kỳ năm ngoái); 4.135 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (giảm 747 trang trại và hộ chăn nuôi so với cùng kỳ năm 2023). Qua đó, đã góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.  

Đáng chú ý, số cơ sở xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào các thị trường quốc tế không ngừng tăng lên. Cụ thể Hàn Quốc có 777 cơ sở, EU (522 cơ sở), Vương quốc Anh (638 cơ sở), Trung Quốc (662 cơ sở), Liên minh kinh tế Á Âu (83 cơ sở), Hoa Kỳ (27 cơ sở), Braxin (192 cơ sở), Achentina (212 cơ sở), Indonesia (836 cơ sở), Đài Loan (773 cơ sở).

Trong năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu thủy sản tăng 3,7 – 4,0%; tổng sản lượng thủy sản 9,22 triệu tấn (nuôi trồng 5,68 triệu tấn; khai thác 3,54 triệu tấn). Để đạt được kết quả đó, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Thủy sản và các đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện trình ban hành các chính sách phát triển thủy sản; triển khai các Chương trình quốc gia và Đề án thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, Quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch Hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. 

Đối với khai thác, cần theo dõi sát thời tiết, dự báo ngư trường để hỗ trợ ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất; phát triển mô hình hợp tác cộng đồng giúp ngư dân yên tâm bám biển, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế; nâng cao chất lượng khai thác; quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá và đẩy mạnh thực hiện Đề án chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sang làm các nghề khác. Chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư và Chương trình hành động, Kế hoạch của Chính phủ số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC.

Đối với nuôi trồng, cần đẩy mạnh các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra), đẩy mạnh nuôi trồng trên biển và các đối tượng có giá trị kinh tế cao; phát triển các vùng nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nhân rộng các mô hình nuôi theo chuỗi liên kết có hiệu quả kinh tế cao… Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi.  

Thùy Khánh 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!