Thủy sản giá giảm, khó tiêu thụ, người nuôi duy trì sản xuất chờ giá lên

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá giảm mạnh Hiện giá nhiều loại thủy sản đã giảm ít nhất từ 10 – 30% so với những tháng đầu năm 2021 và so với cùng kỳ năm trước. Các loại vốn trước đây có giá cao như lươn, tôm, cua biển, cá chạch lấu, thát lát, bống kèo… có mức giảm mạnh […]

Giá giảm mạnh

Hiện giá nhiều loại thủy sản đã giảm ít nhất từ 10 – 30% so với những tháng đầu năm 2021 và so với cùng kỳ năm trước. Các loại vốn trước đây có giá cao như lươn, tôm, cua biển, cá chạch lấu, thát lát, bống kèo… có mức giảm mạnh nhất.

Giá ếch nuôi tại nhiều nơi chỉ còn ở mức 21.000 – 22.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá 30.000-32.000 đồng/kg. Giá lươn loại 1 (từ 200 gram/con trở lên) tại nhiều địa phương được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua thủy sản chỉ còn ở mức 150.000 – 160.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá lên đến 180.000 đồng/kg. Giá tôm càng xanh tại nhiều nơi chỉ còn ở mức 90.000 – 130.000 đồng/kg, trong khi trước đây giá 160.000 – 170.000 đồng/kg. Hiện giá tôm thẻ cũng giảm mạnh, với giá tôm thẻ loại 100 con/kg tại nhiều nơi được nông dân bán cho thương lái chỉ còn ở mức 75.000 – 80.000 đồng/kg, còn loại 30 – 40 con/kg có giá 120.000 – 140.000 đồng/kg… Ông Phan Văn Tây ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện không chỉ giá lươn thịt bị giảm mạnh mà giá lươn giống cũng giảm và khó tiêu thụ. Trước tình hình này, nhiều hộ nuôi lươn đành phải cố gắng “neo” lươn lại để chờ giá”.

Ðáng chú ý, giá nhiều loại cá nuôi đã giảm xuống dưới mức giá thành sản xuất, người nuôi bị thua lỗ nặng. Ðơn cử, giá cá rô đầu vuông chỉ ở mức 22.000 – 25.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất ở mức 25.500 – 26.000 đồng/kg. Tương tự, giá thành nuôi cá chim trắng tại nhiều hộ dân ở mức 14.500 – 16.000 đồng/kg, nhưng giá cá thương phẩm được nông dân bán ra chỉ ở mức 13.000 – 14.000 đồng/kg. Còn giá thành nuôi cá trê lai ở mức 18.000 – 19.000 đồng/kg nhưng giá bán chỉ 16.000 – 17.000 đồng/kg. Hiện nay, đầu ra của đối tượng thủy sản nuôi chủ lực phục vụ xuất khẩu tại vùng ÐBSCL là con cá tra cũng gặp rất khó khăn do nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu tạm ngưng thu mua hoặc giảm thu mua. Gần đây, giá thành nuôi cá tra xuất khẩu ở mức 22.000 – 23.000 đồng/kg nhưng cá tra nguyên liệu chỉ bán được giá 22.000 – 22.500 đồng/kg trở lại nên người nuôi cá tra cũng bị lỗ vốn.

 

Nỗ lực duy trì sản xuất

Dù giá cả đầu ra sản phẩm đang diễn biến bất lợi nhưng nông dân và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tại TP Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL tin tưởng tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát và giá cả đầu ra các loại thủy sản khởi sắc trở lại trong thời gian tới. Do vậy, nhiều người nuôi thủy sản đang nỗ lực duy trì các vùng nuôi sẵn sàng có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và có điều kiện nâng cao thu nhập cho mình.

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng hiện nhiều hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ nỗ lực duy trì các hoạt động sản xuất con giống và nuôi trồng các loại thủy sản. Trong ảnh: Sản xuất tôm giống tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, đầu năm đến nay, nông dân TP Cần Thơ đã thả nuôi các loại thủy sản được hơn 3.217 ha và dự kiến cả năm nay thả nuôi đạt tổng cộng 8.200 ha. Trong đó, diện tích thả nuôi cá tra đạt hơn 548 ha, đạt 74% so với kế hoạch cả năm là 736 ha. Trong những tháng qua, nguồn cung cấp nguồn cá tra nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu dồi dào, dự báo nguồn cung cấp cá tra nguyên liệu cho việc xuất khẩu và chế biến những tháng cuối năm vẫn đảm bảo. Bên cạnh thực hiện các giải pháp kết nối cung – cầu, hỗ trợ người dân áp dụng các quy trình nuôi cá tra tiên tiến để đạt hiệu quả, Cần Thơ cũng đang tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân phát triển đa dạng các mô hình và đối tượng nuôi thủy sản giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, tỉnh Kiên Giang đã thả nuôi tôm các loại như tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng và tôm sú được hơn 128.200 ha, đạt hơn 94,2% so với kế hoạch năm. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của ngành chức năng, nhìn chung nông dân trong tỉnh đã được tạo nhiều thuận lợi để thu hoạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, do có ít thương lái đi thu mua nên hiện tôm của nhiều nông dân tới lứa thu hoạch mà chưa bán được, đặc biệt là đối với tôm càng xanh được nuôi tại các huyện như Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Biên và Gò Quao. Bên cạnh đó, các mặt hàng cua biển, cá bớp và sò huyết của nông dân tại các huyện Kiên Lương, Kiên Hải, An Biên và TP Phú Quốc… cũng khó tiêu thụ và giá bị giảm mạnh. Dự báo, trong tháng 8/2021, tỉnh Kiên Giang có sản lượng tôm và cá nuôi biển đạt 12.900 tấn, trong đó có 12.500 tấn tôm các loại.

Tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Bến Tre… cũng đang có một lượng lớn tôm và cá đã và đang chuẩn bị tới lứa thu hoạch. Song, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều chợ dừng hoạt động, việc vận chuyển hàng hóa hạn chế, tiểu thương và doanh nghiệp giảm thu mua hoặc có thu mua nhưng số lượng ít… nên người nuôi thủy sản khó tiêu thụ được hàng với giá cao. Tính đến ngày 30/7, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi được 46.760 ha tôm nước lợ các loại, đạt 63,2% so với kế hoạch và tăng 8,8% so với cùng kỳ. Hiện có 12.777 ha tôm đã thu hoạch, diện tích tôm còn lại trên đồng là hơn 23.454 ha. Ước tính từ nay đến giữa tháng 8/2021, sản lượng thu hoạch tôm tại tỉnh Sóc Trăng khoảng 20.000 tấn. Ngoài ra, tỉnh còn thu hoạch nhiều loại cá khác với sản lượng lên đến hàng trăm tấn mỗi loại như: cá chẽm, cá bống kèo… Còn tỉnh Bến Tre có tổng sản lượng tôm nước lợ đạt kích cỡ thương phẩm là 3.765 tấn và đã thu hoạch, tiêu thụ hơn 1.911 tấn, sản lượng còn lại khoảng 1.853 tấn. Trước tình hình giá tôm giảm, hiện nhiều hộ dân có tôm đạt cỡ size từ 40 – 100 con/kg đã chọn giải pháp tiếp tục nuôi để đạt cỡ size tốt hơn nhằm bán được giá cao.

Ðể hỗ trợ người dân tiêu thụ các sản phẩm thủy sản và nông sản nói chung, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL đang tích cực phối hợp các bộ ngành Trung ương và các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan để tăng cường trao đổi thông tin về cung, cầu sản phẩm nông sản. Kịp thời rà soát, thống kê nguồn cung từng mặt hàng để thúc đẩy kết nối cung – cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua nhiều kênh phân phối và hình thức phù hợp tình hình thực hiện giãn cách xã hội hiện nay. Các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cũng đã thành lập các Tổ chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu nông sản nhằm phối hợp chặt các Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ các loại nông thủy sản.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Nguồn: Báo Cần Thơ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!