2015 là một năm Việt Nam gặt hái được nhiều thỏa thuận thương mại tự do. Trong đó, TPP được coi là hiệp định mang tính bước ngoặt, được nhận định sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại Việt Nam và quốc tế. Đối với ngành thủy sản, ít nhiều có những thuận lợi đáng kể.
Tận dụng cho xuất khẩu
Lợi ích lớn nhất Việt Nam sẽ có được khi trở thành thành viên TPP, là tìm được một đối trọng đủ nặng để có thể tái cân bằng được quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống trọng điểm hiện nay, giảm ảnh hưởng và lệ thuộc vào một thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Với tỷ trọng hơn 60% kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó riêng nhập khẩu 75% đến từ khu vực Đông Á, Trung Quốc, Đài Loan, ASEAN…, Việt Nam sẽ chịu nguy cơ rủi ro lớn, nếu nhóm thị trường này có những biến động xấu. Cùng với thỏa thuận FTA mới đạt được gần đây với EU, TPP với sự có mặt mạnh mẽ của Mỹ, Canada, Australia… sẽ là một hướng đi giàu tiềm năng để Việt Nam từng bước thoát khỏi sự mất cân đối với nền kinh tế lớn láng giềng đang ngày càng tỏ ra nhiều dấu hiệu thiếu ổn định.
Riêng với thủy sản, TPP sẽ cho phép ngành thủy sản Việt Nam tiếp cận thuế quan ưu đãi (0%), đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản – hai thị trường xuất khẩu chủ lực chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 của ngành thủy sản Việt Nam. Hiện nay, thuế nhập khẩu ở thị trường Mỹ đang ở mức trung bình 0,3% đối với thủy sản sống, 4,7% cho thủy sản đã qua chế biến. Nhưng những nước khác ở khu vực châu Mỹ trong TPP như Peru, Canada thuế suất đã xấp xỉ bằng 0%, hay các nước Malaysia, Singapore, Australia thuế đã bị bỏ theo đàm phán thương mại tự do. Như vậy, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi về thuế suất, dù không nhiều.
Tham gia TPP, Thủy sản Việt Nam có nhiều cơ hội cũng như thách thức – Ảnh: Phan Thanh
Tại thị trường Nhật Bản, cho dù Việt Nam đã ký kết FTA với quốc gia này nhưng thuế quan vẫn ở mức cao (trung bình khoảng 3,5% với thủy sản sống và 7,3% với thủy sản chế biến), vì vậy TPP sẽ là cơ hội để thủy sản Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh về giá khi xuất khẩu sang thị trường này. Các nước thành viên TPP sẽ được giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu hàng hóa và cắt giảm bằng 0% năm 2018. Đây là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản. Bởi trong nhiều năm, thuế suất của Việt Nam luôn cao hơn nhiều so với các nước khác trong ASEAN.
Lợi thế về nhập nguyên liệu
Hiện nay, nguồn nguyên liệu hải sản trong nước đang dần cạn, thuế nhập khẩu giảm sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp nhập khẩu các loại thủy sản như cá ngừ, mực, bạch tuộc từ Malaysia, Mexico, Peru…
Từ chiều nhập khẩu, việc ký kết và thực hiện TPP đồng nghĩa việc các loại thuế quan áp dụng cho thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia TPP sẽ bị loại bỏ phần lớn. Với các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) Việt Nam đang áp dụng tương đối cao (trung bình đến 15% với thủy sản sống và 30% với thủy sản chế biến); tuy nhiên, việc thủy sản nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam không còn phải chịu mức thuế này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp thủy sản kinh doanh nội địa trước hàng hóa nhập khẩu.
Đối với các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, TPP không mang lại thay đổi lớn, bởi nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được hoàn thuế. Tất nhiên, nếu xét chi li, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ các nước TPP sẽ không phải làm thủ tục hoàn thuế, cũng không bị đọng vốn nếu đang phải nộp thuế nhập khẩu; đây cũng có thể xem là một lợi ích, tuy không lớn.
Tuy nhiên, sẽ có một bất lợi nhỏ với doanh nghiệp chế biến hải sản. Bởi lâu nay, những doanh nghiệp này phải nhập khẩu nguyên liệu (cá ngừ đại dương), trong khi đó theo quy định, sản phẩm xuất khẩu có nguồn gốc từ nguyên liệu dạng tạm nhập tái xuất sẽ không được hưởng ưu đãi nếu không có nguồn gốc từ một trong những quốc gia thành viên TPP. Nhưng điều này có lẽ cũng không gây ra tác động nào lớn.
Tất cả cho thấy một điều, TPP không phải là một cú hích lớn, và nó cũng không gây ra cơn sốc nào. Trong tương lai khi TPP được thông qua, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn sẽ phải chủ động, sẵn sàng cho những cuộc cạnh tranh sòng phẳng, quyết liệt.
>> TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement) là hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản. |