Tiềm năng lớn từ bào ngư chín lỗ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bào ngư là loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Chúng có thể nuôi trên các vùng sinh thái rạn đá ngầm xa bờ, thân thiện với môi trường, với nhiều tiềm năng đột phá về sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu.

Đặc điểm sinh học

Bào ngư chín lỗ (tên khoa học là Haliotis diversicolor Reeve, 1846), thuộc ngành thân mềm. Vỏ bào ngư rất cứng, mỏng, nhẹ, được tạo thành từ nhiều lớp xếp chồng lên nhau, lớp vỏ có cấu tạo chủ yếu từ canxi cacbonat. Mặt ngoài vỏ sần sùi có nhiều gờ phóng xạ hoặc đồng tâm cắt nhau. Mép vỏ có một hàng 14 lỗ hoặc ít hơn, trong đó có chín lỗ thông mặt trong và ngoài. Mặt vỏ ngoài màu xanh sẫm hoặc nâu sẫm. Mặt trong sáng bóng với lớp xà cừ láng bóng. Ngoài tự nhiên thường bắt gặp các cá thể vỏ dài 60 – 90 mm.

Thông thường, bào ngư xuất hiện nhiều ở vùng biển, hải đảo nhiều đá và cả những vùng nước chảy mạnh. Chúng ưa độ mặn cao, từ 21 – 32‰. Sống ven đảo, vùng dưới triều từ 1 – 15 m nước, bám vào các rạn đá. Khi còn nhỏ, bào ngư thường bám gần bờ; nhưng khi trưởng thành, chúng di chuyển ra xa dần và sâu hơn ở đá ngầm dưới biển. Bào ngư là loài ăn thực vật. Thức ăn của chúng thay đổi tương ứng theo từng giai đoạn phát triển. Nhưng chủ yếu vẫn là ăn các loài rong biển, mùn bã hữu cơ dưới biển.

Bào ngư sinh sản hữu tính. Chúng đẻ trứng vào mùa nóng, thường đẻ vào lúc chiều tối và rạng sáng. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hải sản (RIMF), ở các vùng biển Việt Nam phân bố 4 loài bào ngư có giá trị kinh tế, trong đó bào ngư 9 lỗ là một trong những loài có giá trị kinh tế cao nhất, chúng phân bố tập trung chủ yếu ở vùng biển Vịnh Bắc bộ.

 

Chủ động con giống

Trong tự nhiên, quần thể các loài bào ngư có khu vực phân bố không liên tục dọc theo các bờ biển nơi có các rạn san hô, bãi đá ngầm ven biển và quanh các quần đảo thuộc vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Do nhu cầu tiêu thụ cũng như sức ép khai thác, những năm qua, nguồn lợi bào ngư khai thác tự nhiên ngày một suy giảm. Nếu như năm 1970, sản lượng khai thác trên toàn thế giới đạt 19.720 tấn, đến năm 2002 khai thác giảm còn 10.146 tấn thì đến năm 2013 chỉ khai thác được 7.486 tấn. Trước áp lực khai thác lớn, nguồn lợi các loài bào ngư đặc hữu phân bố ở vùng biển Việt Nam cũng giảm mạnh.

Để hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn lợi khai thác tự nhiên, thời gian qua nước ta đã có sự đầu tư cho các đề tài, dự án nghiên cứu nhằm chủ động sản xuất ra con giống và công nghệ nuôi thương phẩm để chuyển giao sản xuất đại trà. Điển hình như từ năm 2012 đến nay, Bộ NN&PTNT đã giao RIMF triển khai thực hiện dự án hoàn thiện và chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo, nuôi thương phẩm loài bào ngư 9 lỗ. Sau khi các dự án được phê duyệt, RIMF đã phối hợp với các đơn vị liên quan góp vốn xây dựng hoàn thiện 2 trang trại sản xuất giống bào ngư tại đảo Bạch Long Vĩ và đảo Cô Tô. Đây là 2 mô hình được thiết kế, xây dựng đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật phục vụ chuyên sản xuất giống loài bào ngư chín lỗ. Đến nay, nước ta đã nghiên cứu hoàn thiện và làm chủ được công nghệ sản xuất con giống bào ngư. Công nghệ này bao gồm các khâu kỹ thuật như: Kỹ thuật kích thích sinh sản (đạt tỷ lệ đẻ trên 75%), kỹ thuật ấp nở và ương nuôi lên con giống cấp I (đạt tỷ lệ sống ổn định >7%); kỹ thuật sản xuất sinh khối tảo đáy làm thức ăn cho bào ngư giống cũng đã được nghiên cứu thành công và đang áp dụng trong sản xuất.

Song song với đó, việc nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm loài bào ngư chín lỗ (trên bể xi măng, nuôi trên bãi tự nhiên, nuôi lồng bè trên biển) cũng được dự án thực hiện. Công nghệ nuôi thương phẩm với thời gian nuôi khoảng 24 tháng cho tỷ lệ sống >75%, chiều dài vỏ >5 cm; trọng lượng >40 g/cá thể. Công nghệ này đã đạt ngang tầm kỹ thuật trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan. Qua đó, giúp ngành thủy sản nước ta làm chủ được công nghệ, sẵn sàng chuyển giao đến các doanh nghiệp, hộ cá thể để mở rộng quy mô sản xuất.

>> Theo RIMF, dự báo đến năm 2025, diện tích nuôi bào ngư đạt >2.000 ha; nhu cầu giống khoảng 2,4 - 2,5 tỷ con. Theo đó, cần khoảng 590.000 - 600.000 cá thể bào ngư bố mẹ (kích thước >7 cm), giá trị từ 12 - 15 triệu USD.

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!