(Thủy sản Việt Nam) – Cũng thời điểm này năm ngoái, nghêu nuôi khu vực biển Tân Thành, Tiền Giang chết hàng loạt với tổng giá trị thiệt hại lên đến 259,62 tỷ đồng. Hơn nửa tháng nay, nghêu nuôi ở khu vực này lại tiếp tục có hiện tượng chết bất thường trên diện tích hơn 60 ha. Điều đáng nói là các nhà khoa học và các cơ quan chức năng chưa xác định được chính xác nguyên nhân nghêu chết và có biện pháp hạn chế thiệt hại.
Nghêu chết chưa rõ nguyên nhân
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay có 13 hộ nuôi nghêu tại khu vực biển Tân Thành và Tân Điền, huyện Gò Công Đông bị thiệt hại trên diện tích khoảng 62 ha. Kích cỡ nghêu bị thiệt hại trong khoảng 250-2.000 con/kg, tỷ lệ thiệt hại trên 50%.
Theo ông Trần Quang Hải – nông dân nuôi nghêu ở xã Tân Điền, nghêu chết là do ảnh hưởng môi trường, bởi độ mặn tăng cao và gió chướng thổi mạnh liên tiếp. “Nếu tình hình gió chướng thổi mạnh kéo dài cộng thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng cao thì nghêu tiếp tục chết nhiều”, ông Hải dự đoán.
Hiện nay, các hộ nuôi nghêu bị thiệt hại đang tích cực thu gom nghêu chết và chuyển ra ngoài khu nuôi nghêu để tránh làm ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh, ảnh hưởng đến lượng nghêu nuôi còn lại.
Vẫn còn thiếu sự nghiên cứu đối với con nghê (nghêu giống nhìn qua kính hiển vi)
Ngay khi nhận được thông tin thiệt hại nghêu, Chi cục Thủy sản Tiền Giang phối hợp cùng với Chi cục Thú y lấy mẫu kiểm tra mầm bệnh và thực hiện quan trắc môi trường vùng nuôi nghêu hàng ngày để theo dõi. Tuy nhiên, kết quả đều nằm trong giới hạn sinh trưởng bình thường của con nghêu.
Trăn trở với con nghêu
Từ khi nghề nuôi nghêu ở Tiền Giang hình thành và phát triển đến nay, người nuôi nghêu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn qua nhiều năm. Việc học tập, nghiên cứu thông qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng đối với con nghêu là rất hạn chế, ngay cả cơ quan Khuyến nông – Khuyến ngư địa phương cũng chưa có tài liệu chính thức đối với con nghêu. Mặt khác, nghêu được thả quanh năm và phụ thuộc vào nguồn giống, trước nay chưa có khuyến cáo lịch thời vụ. Ông Nguyễn Văn Khá – nông dân nuôi nghêu xã Tân Thành cho biết: “Hiện nay, mỗi hộ nuôi nghêu có kinh nghiệm khác nhau nên kỹ thuật nuôi cũng khác nhau – nhất là cỡ giống và mật độ thả, mỗi người một kiểu. Thêm vào đó, việc thả giống cũng vô chừng có thể làm tăng độ rủi ro vì thời gian nuôi có thể rơi vào thời điểm bất lợi cho nghêu (thường nghêu chết vào tháng 1-3)”. Vì vậy để nghề nuôi nghêu phát triển ổn định và bền vững, theo ông Khá, các nhà khoa học và cơ quan chức năng cần có nghiên cứu về kỹ thuật và lịch thời vụ.
Không như các đối tượng thủy sản nuôi khác, con nghêu sinh trưởng và phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường tự nhiên. Người nuôi nghêu không cần cung cấp thức ăn cũng như áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh cho nghêu. Do đó, việc quan trắc môi trường để có cơ sở so sánh các chỉ tiêu an toàn môi trường để cảnh báo cho bà con nuôi nghêu là vô cùng cần thiết. Ông Lê Văn Mánh xã Tân Thành đề nghị: “Cơ quan chức năng cần hỗ trợ nông dân quan trắc môi trường vùng nuôi nghêu, nhất là đầu vụ và những thời điểm bất lợi cho nghêu, để kịp thời có giải pháp hạn chế thiệt hại”. Bởi việc tự theo dõi các chỉ tiêu môi trường có ảnh hưởng đến nghêu nuôi nằm ngoài khả năng của nông dân.
Ông Nguyễn Văn Vinh – người đầu tiên thành công với quy trình sản xuất nghêu giống ở ĐBSCL cho rằng: Hiện nay, cơ quan chức năng dường như thả nổi chất lượng nghêu giống, việc kiểm dịch loài thủy sản này còn lỏng lẻo. Các nhà khoa học giúp nông dân nghiên cứu xem nước thải công nghiệp có ảnh hưởng tới vùng nuôi nghêu không?”. Theo ông Vinh, từ năm 2000 trở về trước, nghêu nuôi không chết dù gió thổi mạnh, nhưng thời điểm này thì nghêu chết nhiều.
Trao đổi về những vấn đề trên, ông Phan Hữu Hội – Chi cục phó Chi cục Thủy sản cho biết: Nghêu là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực ở địa phương với diện tích lên đến 2.150 ha, sản lượng 17.000 tấn/năm. Ba năm trở lại đây, Chi cục Thủy sản đều thực hiện quan trắc môi trường vùng nuôi nghêu định kỳ hàng tháng, kết quả quan trắc được gửi về địa phương và thông báo trên Đài Truyền hình tỉnh để bà con tiện theo dõi. Năm 2011, Chi cục Thủy sản phối hợp cùng với Chi cục Thú y thực hiện quan trắc môi trường và mầm bệnh tại vùng nuôi nghêu định kỳ 1 lần/tháng và quan trắc tăng cường 2 lần/tháng vào các tháng thường có nghêu chết nhiều (tháng 1-3 âm lịch). Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh vừa có khuyến cáo kỹ thuật để hạn chế thiệt hại trong nuôi nghêu.
Nghêu là đối tượng chủ lực ở Tiền Giang Ảnh: Thanh Nhã
Cần sự hỗ trợ từ các nhà nghiên cứu
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, tiềm năng của con nghêu là rất lớn và có vai trò quan trọng, góp phần đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản và đem lại công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, nhưng đến nay, loài thủy sản này vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Lâu nay, các địa phương chỉ tập trung vào khai thác từ con giống tự nhiên, thả nuôi trong tự nhiên, trường hợp bỏ vốn đầu tư, nghiên cứu con nghêu là rất ít.
Hiện nay, tài liệu nghiên cứu về con nghêu rất khiêm tốn. Đối với các viện, trường ở nước ta, chưa có đề tài nghiên cứu khoa học nào cho con nghêu về các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng như môi trường, mầm bệnh, cách phòng trị bệnh… Do đó, đến khi dịch bệnh phát sinh, thiệt hại xảy ra là rất lớn.
Đã đến lúc cần tái tạo đầu tư cho con nghêu từ quy hoạch vùng nuôi, duy trì nguồn giống tự nhiên, sản xuất giống nghêu nhân tạo, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cho đến xuất khẩu một cách bài bản. Phải hài hòa giữa đầu tư, nghiên cứu và khai thác thì nghề nuôi nghêu mới phát huy hết tiềm năng và phát triển bền vững được.
>> Ông Phan Hữu Hội – Chi cục phó Chi cục Thủy sản Tiền Giang: Việc khuyến cáo kỹ thuật trong nuôi nghêu của cơ quan quản lý địa phương gặp nhiều khó khăn. Do hiện nay, các nghiên cứu, tài liệu kỹ thuật rất hạn chế. Để nghề nuôi nghêu phát triển bền vững hơn, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý địa phương, sự hợp tác của nông dân thì rất cần sự hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước.
THÀNH CÔNG