Tiếp tục phát huy hiệu quả Đề án 52

Chưa có đánh giá về bài viết

Qua 3 năm triển khai, Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009 – 2020 (Đề án 52) đã mang lại nhiều kết quả tốt, ổn định mức sống và nâng cao chất lượng dân số.

Hơn 3.000 hòn đảo; 151 quận, huyện, thị xã, thành phố của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương; dân số 149 huyện thuộc địa bàn Đề án (không bao gồm huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa) là 20,2 triệu người, chiếm 47% dân số các tỉnh.

Việc triển khai thực hiện Đề án 52 tại 28 tỉnh, thành trong cả nước đã góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, ngư dân miền biển vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng được hưởng lợi; Đề án không chỉ hướng tới mục tiêu giảm sinh mà còn giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, tỷ lệ nạo phá thai…; chất lượng dân số, nguồn nhân lực được cải thiện, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

 

Những tín hiệu khả quan

Đề án đã được triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố và 2.390 xã của 28 tỉnh ven biển. Đến nay, đã thành lập được 169 đội Y tế – KHHGĐ tuyến huyện, 19 đội lưu động của Trung tâm Tư vấn và Trung tâm Chăm sóc SKSS các tỉnh. Qua đó, có hơn 1.228.030 lượt người được tư vấn hỗ trợ về các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; 218.466 phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ; khám phụ khoa cho 121.063 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó 634.784 trường hợp phụ nữ được phát hiện mắc các bệnh phụ khoa được cấp thuốc điều trị và tư vấn. Ngoài ra, Đề án còn xây dựng thành công các mô hình cung cấp dịch vụ, tư vấn về chăm sóc SKSS bà mẹ, trẻ em, những người làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất, du lịch ở vùng biển và ven biển.

Hoạt động truyền thông, tư vấn tuyên truyền cho công tác DS – KHHGĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án

Ông Phạm Hồng Quân, Phó giám đốc Ban quản lý Đề án 52 cho biết, việc triển khai thực hiện Đề án đã nhận được sự tham gia ủng hộ và phối hợp thực hiện của các ban ngành địa phương, các tổ chức xã hội trong việc tham mưu, phê duyệt kế hoạch hoạt động, thực hiện các chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ, giao 100% kinh phí theo phân bổ của Trung ương để thực hiện Đề án 52 của tỉnh, đặc biệt có 12 tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm kinh phí từ nguồn của địa phương với tổng số khoảng 9 tỷ đồng.

 

Còn đó nhiều khó khăn

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng việc triển khai thực hiện Đề án 52 tại các địa phương vẫn còn tồn tại những bất cập. Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu vùng biển, một số xã ven biển, đảo chưa có trạm y tế, 34% trạm y tế xã chưa có bác sĩ…

Mặt khác, do điều kiện địa lý, khí hậu và đặc thù nghề nghiệp vùng biển, những người dân ở trên đảo, người dân sống làm việc trên biển dài ngày, người dân di cư đến lao động trong các khu kinh tế biển ngày càng nhiều… chưa có cơ hội và điều kiện tiếp cận và hưởng thụ đầy đủ các chính sách và dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ chăm sóc, SKSS/KHHGĐ.

Dự báo, năm 2015 dân số vùng biển khoảng 33,8 triệu người và năm 2020 là 37 triệu người. Với sự hình thành các khu kinh tế biển sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng quá tải hay khoảng trống trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người dân, nhất là người lao động nhập cư.

 

Tập trung nguồn lực

Ông Phạm Hồng Quân chia sẻ, năm 2012, Đề án ưu tiên tập trung giảm sinh đối với 12 tỉnh ven biển chưa đạt mức sinh thay thế; tăng cường giải pháp kiểm soát giới tính khi sinh đối với 18 tỉnh, thành phố ven biển có tỷ lệ giới tính khi sinh ở mức cao. Trong thời gian tới, Ban quan lý Đề án sẽ chỉ đạo cho Sở Y tế và Ủy ban Dân số các địa phương phối hợp chặt chẽ với quân y BĐBP vùng biển đảo để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác chăm sóc y tế, chăm sóc SKSS để mục tiêu của Đề án đạt được hiệu quả cao nhất.

Đề án 52 đã mang lại những hiệu quả thiết thực, đời sống người dân ổn định, chất lượng dân số được nâng cao

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm tạo thuận lợi về môi trường chính sách, đầu tư nguồn lực và tạo dư luận xã hội. Chú trọng kênh truyền thông trực tiếp, lấy đội ngũ cộng tác viên và tuyên truyền viên DS – KHHGĐ, y tế cơ sở làm lực lượng chủ đạo. Thí điểm và nhân rộng các mô hình can thiệp có hiệu quả, xây dựng các mô hình can thiệt mới phù hợp trong việc đáp nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ, ưu tiên tổ chức Đội lưu động Y tế – KHHGĐ tuyến huyện; tổ chức các hội thảo nghiên cứu đề xuất chính sách lồng ghép các nội dung dân số vào các lĩnh vực ngành nghề có liên quan đến phát triển kinh tế biển. Trong giai đoạn 2011 – 2015 cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, hoạt động chủ yếu của Đề án nhằm phấn đấu đạt mức sinh thay thế trong toàn vùng; nâng cao chất lượng dân số; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, SKSS, KHHGĐ.

>> Đến năm 2015, phấn đấu quy mô dân số các vùng biển, đảo và ven biển không vượt quá 34 triệu người; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo và ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72%; 80% người làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực biển, đảo, ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS/KHHGĐ.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!