(TSVN) – Hỏi: Ao nuôi TTCT cần có những tiêu chuẩn kỹ thuật nào, để giúp tôm có thể phát triển và dễ dàng quản lý khi nuôi?
(Vũ Văn Tài, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)
Trả lời:
Ao nuôi là thành phần trung tâm của cả hệ thống. Tùy theo điều kiện thổ nhưỡng mà ao có thể ở dạng ao đất, lót bạt hoặc bê tông. Diện tích, hình dạng, độ sâu, hệ thống cấp thoát nước và các thiết bị phụ trợ của ao có thể khác nhau giữa các cơ sở hoặc vùng nuôi, nhưng về cơ bản cần phải đảm bảo 5 tiêu chí sau: Giữ được nước, ổn định môi trường nuôi; Cấp, thoát nước dễ dàng với chi phí thấp; Giảm thiểu tối đa các rủi ro về địch hại, bệnh dịch và thiên tai; Cung cấp đủ ôxy và giúp phát tán nhanh và đều thức ăn, thuốc, hóa chất; Thuận lợi để thu gom, loại bỏ hoàn toàn chất thải. Ao nuôi TTCT nên có diện tích từ 2.000 – 3.000 m2, hình vuông bo tròn 4 góc hoặc hình chữ nhật với tỷ lệ chiều dài:chiều rộng khoảng 3:2. Độ sâu của ao cho phép duy trì mực nước từ 1,7 – 1,8 m.
Kích thước này thuận tiện cho việc lắp đặt và vận hành các giàn quạt nước thông dụng trên thị trường, giúp cho môi trường ao được đồng nhất và đảm bảo đủ lượng ôxy hòa tan. Để đảm bảo an toàn sinh học, ngăn ngừa sự xâm nhập của mầm bệnh, ao nuôi cần có lưới ngăn chim và rào chắn ngăn vật chủ trung gian gây bệnh cao 60 cm, làm bằng bạt hoặc lưới chạy vòng xung quanh ao.
(Nguyễn Văn Thắng, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh)
Trả lời:
Theo mô tả, tôm trong ao đang bị phân trắng. Tuy nhiên để có kết luận chính xác, nên kiểm tra bằng phương pháp mô học của mẫu tôm bị bệnh phân trắng: gan bị tổn thương, tế bào gan bị chết từng điểm bong ra. Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ nước cao, mật độ dày, cải tạo ao không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thức ăn kém chất lượng, tảo độc, ký sinh trùng, vi bào tử trùng là những yếu tố làm cho bệnh phân trắng trên tôm lây lan nhanh. Điều trị bệnh bằng cách ngừng cho ăn hoàn toàn trong vòng 1 – 2 ngày; Chạy quạt tăng cường ôxy nhiều nhất có thể nhằm hỗ trợ nhanh chóng phân hủy chất thải trong ao nuôi; Thay nước sạch đã xử lý 30 – 50% (chú ý thay chậm để không làm tôm sốc); Tìm các giải pháp phù hợp để làm giảm nồng độ các chất hữu cơ trong ao (nếu ao thường xuyên xi phông thì dùng chất lắng tụ rồi xi phông sạch ra ngoài.
Trường hợp ao không được xi phông trước đó thì chỉ dùng vi sinh, không được làm xáo trộn đáy ao, khiến khí H2S khuếch tán vào nước gây chết tôm); Sử dụng vi sinh với liều cao gấp 3 lần so liều bình thường xử lý nước và đáy ao; Trộn xen kẽ các nhóm vi sinh tiêu hóa và tỏi (10 g/kg) vào thức ăn để cho tôm ăn (không trộn tỏi cùng vi sinh, vì tỏi có thể làm bất hoạt vi sinh); Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên trong vòng 5 ngày liên tục. Phòng bệnh bằng cách thực hiện đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học cho ao nuôi.