Năm 2012 kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm, doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá thua lỗ (giá xuất khẩu giảm, chi phí đầu vào tăng cộng với tín dụng bất hợp lý); trong khi đây là mặt hàng độc quyền của Việt Nam xuất khẩu sang hơn 130 thị trường.
Một năm sóng gió
Năm 2012 nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của nông dân, các doanh nghiệp và hiệp hội trong sản xuất chế biến xuất khẩu và tiêu thụ cá tra vẫn đạt kết quả ấn tượng. Cá tra sản xuất ở ĐBSCL đạt gần 4,6 tỷ con giống (tăng gần 2 lần so với năm 2011), diện tích nuôi 5.910 ha; sản lượng cá thu hoạch 1.255.500 tấn (tăng hơn 90.000 tấn), kim ngạch xuất khẩu 1,744 tỷ USD, chỉ giảm 3,4% so cùng kỳ năm 2011. Góp phần hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ cá tra trong năm 2012, các ngân hàng thương mại đã cho vay nuôi trồng và chế biến đạt tổng dư nợ đến 31/12/2012 trên 22.777 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 24,97%.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,77 tỷ USD – Ảnh: An Đăng
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hỗ trợ tín dụng trong năm 2012 của hệ thống ngân hàng chưa phù hợp, chưa gắn với chu trình sản xuất, chủ yếu cho vay dựa vào thế chấp và việc định giá tài sản thế chấp lỗi thời, thời hạn cho vay ngắn 4 tháng, không đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho sản suất và chế biến, đã đẩy hoạt động sản xuất và chế biến cá tra vào thế bất lợi. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, căn cứ vào thực tế giá đầu vào của sản xuất và chế biến cá tra năm 2012 tăng 10 – 15%, lạm phát 7,5%, thì việc tăng vốn tín dụng cho ngành cá tra không thực sự làm giảm bớt khó khăn, ngược lại còn dẫn đến nợ xấu. Để tự cứu mình trong ngắn hạn, đa số doanh nghiệp và người nuôi phải bán sản phẩm dưới giá thành, dẫn đến thua lỗ, giảm về giá trị xuất khẩu, trong khi sản lượng sản xuất và chế biến vẫn tăng.
Kinh tế thế giới và Việt Nam 2013 có dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ chậm, nhất là các nước thuộc EU; các thị trường khác tiếp tục dựng rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại để hạn chế cá tra Việt Nam.
Cần nhiều giải pháp mới
Để vượt qua khó khăn, cần sự vào cuộc liên ngành, tập trung vào việc rà soát tổng thể hiện trạng sản xuất cá tra; trong đó đẩy mạnh khâu sản xuất giống, tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ cá tra, triển khai tốt các chính sách đã có, quản lý và điều tiết khâu chế biến xuất khẩu, tăng tỷ trọng mặt hàng giá trị gia tăng. Nâng cao chất lượng cá, thông qua mô hình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đánh giá cấp chứng nhận ASC…, kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, đầu ra, nhằm giảm giá thành. Bên cạnh đó cần có giải pháp hữu hiệu để người nuôi và doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn thuận lợi nhất và đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Ông Đào Quang Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, việc cho vay sản xuất và tiêu thụ cá tra trong năm 2013 tiếp tục được thực hiện theo Nghị định 41 và Công văn 1149/CP với lãi suất hợp lý, đồng thời NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay theo chu trình sản xuất 8 – 10 tháng. Theo nhiều chuyên gia, cần sớm xây dựng Nghị định về cá tra, thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về vốn tại cơ sở, tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi cá tra tập trung.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, năm nay chỉ nên duy trì dưới 1 triệu tấn cá tra nguyên liệu; đồng thời, phải kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, khống chế tăng chi phí gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Cơ chế chính sách phải được rà soát, bổ sung; đồng thời tăng cường giải pháp khoa học và công nghệ, nhằm giữ vững lợi thế của sản xuất chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. |