Với những chính sách mới trong nhập khẩu của Trung Quốc, nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn. Để có thể thuận lợi xuất khẩu, bắt buộc phải có những thay đổi.
Ùn ứ hàng loạt
Phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An là một trong những địa phương có truyền thống xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc. Địa phương có 143 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, 20 tàu công suất vừa và nhỏ đồng thời gần 200 bè đánh bắt gần bờ, trung bình mỗi năm, toàn xã đánh bắt được trên 30.000 tấn hải sản các loại, khoảng 70% xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, số còn lại tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản tiểu ngạch, ngư dân và thương lái tại Quỳnh Lập lâm vào cảnh rất khó khăn. Chủ một đại lý thu mua hải sản tại thị xã Hoàng Mai cho biết, bây giờ sản phẩm thủy sản phải đóng hàng cẩn thận vào các thùng xốp sau đó cho vào bao bì, khi ra đến cửa khẩu phải thuê xe để đi đường bộ sang Trung Quốc với chi phí tăng lên gấp nhiều lần… Do chi phí tăng lên và chịu nhiều rủi ro nên bắt buộc đơn vị thu mua phải hạ giá hải sản thu mua của người dân để bù đắp các khoản khác.
Còn tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh địa phương vốn được coi là có rất nhiều thuận lợi khi xuất khẩu hàng nông sản nhất là thủy sản sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch; tuy nhiên, hoạt động này tại đây cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu hàng hóa thủy sản qua cửa khẩu, lối mở tỉnh chỉ đạt 79,6 triệu USD (giảm 32,1% so cùng kỳ năm 2018). Với sản phẩm tôm, hiện chỉ có sản phẩm tôm cấp đông, không có ướp đá mới được xuất khẩu sang Trung Quốc, đã khiến cho nhiều người nuôi tôm điêu đứng. Bởi, sau khi bảo quản TTCT bằng đông lạnh, doanh nghiệp Trung Quốc phải rã đông để chế biến, dẫn đến chất lượng tôm và giá bán ra thị trường giảm nhiều (mất khoảng 20 – 35% giá) nên giá nhập tôm nguyên liệu cũng giảm, kéo theo giá mua tôm của người dân giảm mạnh, gây thua lỗ cho người nuôi.
Bà Đặng Thị Dịu, Giám đốc Công ty NTTS Nam Phú Hải cho biết, do phía Trung Quốc siết chặt thị trường nên hiện nay giá tôm tại Móng Cái giảm 1/2 so mọi năm, điều này khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Thực tế, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của Công ty cũng như nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Móng Cái, song doanh nghiệp rất mù mờ về thông tin cũng như thiếu sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng để có thể đáp ứng các yêu cầu của đối tác.
Với sản phẩm tôm, hiện chỉ có sản phẩm tôm cấp đông, không có ướp đá mới được xuất khẩu sang Trung Quốc – Ảnh: ST
Bất lợi từ tỷ giá
Theo thống kê của WTO, Việt Nam nằm trong top 10, chiếm thị phần 3% xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt sang Trung Quốc chỉ đạt 1,2 – 1,3 tỷ USD, trong đó chủ yếu là xuất khẩu biên mậu; các sản phẩm chiếm thị phần lớn là tôm và cá tra.
Chính vì vậy, theo phân tích của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), việc Trung Quốc phá giá đồng CNY sẽ tác động trực tiếp đến nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Trước mắt, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu của Việt Nam so với Trung Quốc trên thị trường thế giới, đặc biệt là những sản phẩm nhiều lợi thế và có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê và hồ tiêu sang thị trường Mỹ, châu Âu.
Đại diện VASEP cho rằng, khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng CNY sẽ tạo ra chênh lệch rất lớn giữa đồng tiền của nước này so với VND, vì thế, giá trị của VND so CNY đã tăng lên. Điều này, dẫn đến giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam nói chung, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu nói riêng sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam. Đơn cử, trong cơ cấu hàng thủy sản, mặt hàng tôm của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường Trung Quốc. Hiện nay, tại thị trường Trung Quốc, Ấn Độ cũng có nguồn cung tôm giá rẻ trong khi đồng Rupee cũng bị phá giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với CNY ít hơn so với VND. Khi Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa của Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phải nâng cao chất lượng, tăng số lượng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang thị trường Trung Quốc, nhưng theo hướng xuất khẩu chính ngạch. Việc thị trường Trung Quốc đã chính thức phê duyệt cho 33 mặt hàng thủy sản của Việt Nam được miễn thuế vào nước này càng giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản theo đường chính ngạch vào thị trường này thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận thị trường Trung Quốc, bởi mức sống của người tiêu dùng Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều kéo theo đó là nhu cầu lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao cũng tăng lên. Chính vì vậy, người sản xuất, doanh nghiệp phải hướng đến phân khúc thị trường nông sản, thực phẩm cao cấp của Trung Quốc để sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tuyên truyền cho người nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến thủy sản nắm được chính sách nhập khẩu của Trung Quốc để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc quy định, tiêu chuẩn, kỹ thuật nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam và yêu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở thị trường quốc tế, trong đó có thị trường Trung Quốc; nhất là kiểm soát chặt chẽ dư lượng kháng sinh, chất bảo quản.
>> Hiện nay danh mục sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo chính ngạch là 128 sản phẩm, qua cặp chợ biên giới là 137 sản phẩm. Thế nhưng, số lượng trên đang thiếu rất nhiều sản phẩm đã có tiền lệ thông quan qua cặp chợ biên giới như: Sứa, ngao trắng, ngao 2 cùi, rươi… |
Ngọc Anh