Tìm lời giải cho chất lượng tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù là đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, thế nhưng, hiện nay người nuôi tôm còn rất băn khoăn về vấn đề con giống khi mỗi vụ nuôi vẫn tái diễn cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Tìm lời giải cho bài toán này vẫn luôn được đặt ra.


Người nuôi lo lắng về chất lượng tôm giống

Đánh cược niềm tin

Theo kế hoạch, năm 2018, cả nước thả nuôi 800.000 đến 1 triệu ha tôm, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Dự kiến nhu cầu giống là 130 tỷ con; trong đó tôm thẻ chân trắng 100 tỷ con, tôm sú 30 tỷ con. Hiện, cả nước có 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và khoảng 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, sản lượng ước hơn 100 tỷ con. Điều này cho thấy, công suất của các cơ sở sản xuất giống về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi. Tuy nhiên, chất lượng tôm giống vẫn rất “nóng” tại nhiều vùng nuôi tôm.

Đơn cử như tỉnh Quảng Ngãi. Theo ước tính, mỗi năm Quảng Ngãi cần khoảng 1,5 tỷ con tôm giống, tuy nhiên, các trại giống trên địa bàn tỉnh chỉ cung cấp khoảng vài triệu con. Việc người dân phải nhập giống tôm ngoài tỉnh để thả nuôi khiến cho vấn đề quản lý chất lượng đầu vào luôn ngoài tầm kiểm soát. Hay tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, ba tỉnh có hơn 500.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm nên nhu cầu về tôm giống là rất lớn. Người nuôi cũng loay hoay trong việc tìm kiếm nguồn tôm giống chất lượng. Nhiều người đã vào tận các trại tôm giống có uy tín để mua, song cũng có không ít người mua phải tôm giống trôi nổi, không kiểm dịch, không nguồn gốc xuất xứ… để rồi phải gánh chịu những thiệt hại.

Cần sự minh bạch

Việc “trà trộn” tôm giống xấu tốt để bán cho người nuôi đã không còn là chuyện mới, thậm chí là nhiều cơ sở sản xuất mua tôm giống trôi nổi rồi gắn mác các công ty sản xuất giống lớn, uy tín để trục lợi. Hay tinh vi hơn là trường hợp thông báo mua tôm bố mẹ từ đơn vị nhập khẩu uy tín, thế nhưng thực tế lại không có.

Bà Trần Đình Cẩm Lan, Giám đốc Công ty TNHH Moana Ninh Thuận bức xúc phản ánh: “Moana chỉ có hai công ty, một ở Hawaii (Mỹ) và một ở Việt Nam, là Công ty TNHH Moana Ninh Thuận. Cả hai công ty đều không bán tôm bố mẹ cho Công ty TNHH Giống thủy sản Hưng Phú (cả Hưng Phú Ninh Thuận và Hưng Phú Cần Thơ), vậy mà trên website hay trên trang các thông tin cá nhân của Đại lý phân phối Ngô Thanh Đảm – đại lý của Công ty Hưng Phú lại xuất hiện hình ảnh tôm Moana”.

“Công ty Hưng Phú giải thích, năm 2016, Hưng Phú có lấy tôm bố mẹ của Moana, sau đó không mua nữa. Bây giờ đại lý tự nói có giống Moana chứ Công ty không nói. Trên thực tế, Công ty Hưng Phú có bắt giống bố mẹ Moana từ Moana Ninh Thuận là 75 con ngày 12/8/2016 và 73 con ngày 1/11/2016. Tuy nhiên Hưng Phú đã dừng mua giống của Moana từ rất lâu rồi, thế nhưng trên website của Hưng Phú vẫn để logo Moana là đối tác. Điều này chẳng khác nào lập lờ đánh lận con đen”, bà Lan nói thêm.

Gần đây, Công ty TNHH Moana Ninh Thuận cũng đã có văn bản thông báo tên các công ty, trại giống trong nước có mua tôm bố mẹ của Moana từ ngày 10/4/2018 đến 3/7/2018 gửi lên Tổng cục Thủy sản và các phương tiện truyền thông nhằm giúp bà con nuôi tôm có thể chọn mua đúng tôm giống nguồn gốc Moana từ các trại giống. Thiết nghĩ việc doanh nghiệp có sự kết nối với cơ quan quản lý nhà nước, các ngành chức năng trong việc chủ động công khai, minh bạch thông tin như trên là cần thiết, điều này sẽ góp phần giúp hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh tôm giống ngày càng tốt hơn.

>> Để làm trong sạch thị trường tôm giống, thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục tăng cường các đoàn thanh tra đột xuất, ngăn chặn các cơ sở sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, tôm đầm cho sinh sản cung cấp tôm giống ra thị trường gây thiệt hại cho người nuôi.

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!