Đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn thế giới và chưa có dấu hiệu chấm dứt, để lại hậu quả lớn chưa từng có trong lịch sử loài người, trong đó có ngành thủy sản toàn cầu. Những thay đổi đó gây ảnh hưởng xấu đến sinh kế của ngư dân đánh bắt thủy sản, đến an ninh thực phẩm và các vi chất dinh dưỡng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày.
Chuỗi cung ứng thủy sản chững lại
Theo cảnh báo của FAO gần đây, ngành thủy sản có nguy cơ cao nhưng thực phẩm nguồn gốc thủy sản thì an toàn và do phải thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nên nhu cầu người tiêu dùng thay đổi và tình trạng thực phẩm khó tiếp cận dẫn đến “khan hiếm” hàng hóa thủy sản. Đồng thời, do nhận thức sai lệch ở một số quốc gia đã làm giảm tiêu thụ hải sản khiến cho giá các sản phẩm thủy sản giảm theo. Điều này, theo FAO, cần phải truyền thông rõ ràng về cách thức lây lan của virus và nó không liên quan đến thực phẩm thủy sản.
Đại dịch COVID-19 cũng tác động vào các khâu khác nhau của chuỗi cung ứng thủy sản với các hoạt động chính như: đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, vận chuyển, tiếp thị bán buôn và bán lẻ cả thị trường địa phương, khu vực và toàn cầu. FAO cho rằng, để đạt được mức tiêu thụ mong muốn đối với các sản phẩm thủy sản buộc chúng ta phải bảo vệ chuỗi liên kết giữa người sản xuất – người mua – người bán. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý đến tác động tâm lý đối với người lao động nghề cá do tính chất nguy hiểm và kéo dài của loại “sát thủ vô hình” này. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thủy sản giảm khiến cho hoạt động mua bán trong chuỗi “ngừng lại” và mức độ khai thác thủy sản cũng chững lại theo.
Ảnh minh họa
Nghề khai thác hải sản gặp khốn khó còn do các đội tàu khai thác phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, vào các loài có giá trị kinh tế cao; các biện pháp vệ sinh, khử trùng (khoảng cách giãn cách giữa các thuyền viên, việc đeo khẩu trang…); thậm chí có thể giảm hoặc ngừng hoạt động; nguồn cung hạn chế (ví dụ: nước đá, thiết bị, mồi) do các nhà cung cấp bị đóng cửa; thiếu các trang thiết bị để đảm bảo an toàn sức khỏe cho thuyền viên… Trước tình hình đánh bắt cá như vậy, FAO gợi ý một số biện pháp bảo vệ sản xuất và thu nhập của ngư dân, như: (i) Thành lập nhóm thuyền viên là những “ngư dân nòng cốt” đảm nhận nhiệm vụ cung cấp thực phẩm cho quốc gia; (ii) Cấp phép tạm thời, theo thời vụ cho ngư dân để khai thác hải sản; (iii) Liên kết các trung tâm đánh bắt, hay làng chài với các dịch vụ công như nhà bếp cộng đồng địa phương để các loại cá nhỏ (cá mòi, cá thu, cá cơm) có thể được dùng cho món ăn hải sản địa phương ưa thích và được phân phối ở đó với giá cố định; (iv) Chính phủ mở rộng việc mua thủy sản để sử dụng cho các tổ chức và hoạt động công (nhà tù, bệnh viện, chương trình đồ ăn ở trường…) hoặc để phân phối trong các chương trình hỗ trợ cộng đồng; (v) Kéo dài mùa đánh bắt để bù đắp tổn thất kinh tế; (vi) Hỗ trợ cho các chủ tàu và thuyền viên tạm thời bị cấm hoạt động đánh bắt; (vii) Kiểm soát hạn ngạch đánh bắt hiện tại mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực địa phương; (viii) Cơ quan chính phủ tham gia đặt giá sàn tối thiểu cho mỗi loài cá quan trọng (nếu có thể).
Cuộc chiến “không tiếng súng”
Nghề đánh cá và ngư dân nước ta không nằm ngoài các tác động nói trên. Thậm chí, ngư dân ta còn khốn khó hơn nhiều do chỉ trong một thời gian ngắn họ phải chịu tác động dồn dập, nhiều phía, “không kịp mở mắt” từ “thẻ vàng” EU trong lúc “ao nhà” rất ít cá, thiên tai và nhân tai trên biển đe dọa thường xuyên, đại dịch COVID-19 như một quả búa tạ giáng xuống. Đang căng mình đồng hành cùng dân tộc “chống dịch như chống giặc”, thì “sát thủ hữu hình” lại xuất hiện nghênh ngang trên Biển Đông, đâm nát tàu cá của ngư dân ta một cách vô nhân tính, tiếp tục tạo sóng Biển Đông bằng vào những tuyên bố chủ quyền mới phi lý, hành vi và quyết định sai trái, vô giá trị, tiến hành một cuộc chiến “không tiếng súng”, o bế và bắt nạt các nước nhỏ láng giềng trong khu vực.
Ngư dân ta đang khốn khó lại khốn khó hơn. Nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã lên tiếng bảo vệ, phản đối các hành vi đối xử vô nhân tính đối với ngư dân ta trên ngư trường truyền thống bao đời của họ. Hội Nghề cá Việt Nam cùng các Hội Nghề cá địa phương đã kịp thời lên tiếng bênh vực, hỗ trợ, động viên ngư dân và lên án hành vi vô nhân đạo nói trên của “virus hữu hình” đang lợi dụng đại dịch COVID-19 để tiếp tục thực hiện tham vọng chủ quyền biển đảo không có giới hạn của mình. Đặc biệt, ngày 16/4/2020, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn số 23/HNC-VP gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, sớm ổn định sản xuất cho nghề cá và cuộc sống của ngư dân do ảnh hưởng của COVID-19. Ngư dân Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc và dân tộc cũng đồng hành cùng ngư dân, kiên quyết chiến thắng dịch bệnh COVID-19 và đoàn kết một lòng “chống giặc như chống dịch”!
>> Tại tuyên bố báo chí sau cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN ngày 22/4; Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ ra rằng, Trung Quốc đã lợi dụng sự xao nhãng của các nước để hiện thực hóa yêu sách đơn phương ở Biển Đông, từ việc ngang nhiên thông báo thành lập cái được gọi là các quận hành chính đối với các đảo và vùng biển ở Biển Đông, làm đắm một tàu cá của Việt Nam hồi đầu tháng 4, cũng như đặt các trạm nghiên cứu của nước này ở bãi đá Chữ Thập và bãi đá Xu bi. |
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi