Năm 2009, tỉnh Quảng Ninh triển khai Đề án 52, thực hiện tại 10 địa phương với 138 xã có tổng dân số gần 935.000 người, trong đó phụ nữ 15 – 49 tuổi chiếm trên 42%.
Triển khai Đề án 52, Quảng Ninh đã thu được nhiều kết quả tích cực – Ảnh: Quốc Minh
Đề án đã thực hiện công tác truyền thông với nhiều hình thức: Vận động tại gia đình; các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS; băng, đĩa, phim ảnh; tư vấn nhóm nhỏ; nói chuyện chuyên đề về SKSS/KHHGĐ… Trong đó chú trọng tuyên truyền kiến thức chăm sóc SKSS, kỹ năng phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Các buổi tuyên truyền về dân số thu hút được đông đảo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 27 lượt lưu diễn văn nghệ tại các địa bàn đặc thù, trên 2.000 lượt truyền thông trực tiếp thông qua các cuộc lồng ghép thực hiện dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; cấp phát gần 259.000 tờ rơi đến cộng đồng dân cư; phát trên 2.200 lượt tin, phóng sự trên đài Phát thanh, Truyền hình địa phương… Bên cạnh đó, tại các địa phương được triển khai Đề án, các đội y tế lưu động đến địa bàn các xã vùng biển thực hiện công tác truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe BMTE, phối hợp với Trạm Y tế xã khám, điều trị miễn phí các bệnh phụ khoa thông thường… Từ khi triển khai đến nay, toàn tỉnh có 26.486 người dân được tư vấn các vấn đề về chăm sóc SKSS; 23.890 người được khám phụ khoa; 16.760 người được điều trị phụ khoa; hơn 800 người được khám và điều trị theo hình thức quân – dân y kết hợp. Tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các đơn vị… Qua đó, số người áp dụng các BPTT hiện đại ngày càng tăng, mức sinh giảm và chất lượng dân số được cải thiện đáng kể, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về DS – KHHGĐ tại Quảng Ninh.