(TSVN) – Sau một thời gian dài sụt giảm, xuất khẩu cá ngừ đã tăng tốc trở lại. Đây thực sự là tín hiệu vui cho xuất khẩu hải sản và cho cả ngành thủy sản, nhất là khi các đối tượng chủ lực khác như tôm hay cá tra vẫn rất trầm lắng.
Theo VASEP, lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 26%, đạt 4,9 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu các nhóm hàng đều giảm, trong đó, cá ngừ giảm 28%. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 458 triệu USD, thấp hơn 28% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là nhu cầu và tiêu thụ tại một số thị trường chính thấp. Bên cạnh đó, giá cá ngừ nguyên liệu vẫn ở mức cao đã đẩy giá sản phẩm tăng khiến nhu cầu tiêu thụ càng khó phục hồi.
Tính tới thời điểm hiện tại, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đang dần thu hẹp mức giảm so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: CTV
Tuy nhiên, sang tháng 8, tình hình đã có sự chuyển biến, trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đã tăng trưởng trở lại. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 8/2023, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đạt hơn 87 triệu USD, mặc dù vẫn giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây là mức giảm thấp nhất và là mức giá trị cao từ đầu năm 2023 đến nay.
Trong tháng 8/2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính có nhiều biến động. Nổi bật là sự tăng trưởng của thị trường Mỹ sau một thời gian sụt giảm liên tục. Xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ trong tháng 8 đã tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này là do đóng góp của các sản phẩm cá ngừ đóng hộp với kim ngạch tăng 24%. Cùng đó, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU cũng tăng tốc, với mức tăng 37% trong tháng 8; trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Italy tăng tới 45 lần so với cùng kỳ năm trước. Với thị trường Hàn Quốc, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang nước này tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 7 triệu USD.
Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính nhỏ trong khối ASEAN cũng có sự tăng trưởng tốt trong tháng 8/2023, nổi bật là Thái Lan và Philippines.
Mặc dù đã có những khởi sắc nhất định, thế nhưng sự tăng trưởng trong xuất khẩu cá ngừ chưa thật sự nổi bật và chưa thể “gồng gánh” lại phần sụt giảm những tháng trước đó. Hơn nữa, một vài thị trường trọng điểm khác vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Israel sau một thời gian tăng trưởng tốt lại giảm mạnh trong tháng 8/2023, mức giảm 57%. Đặc biệt, các sản phẩm chế biến và đóng hộp giảm 82% so với cùng kỳ. Tại khối thị trường CPTPP, xuất khẩu sang các thị trường thành viên vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản, Canada và Mexico đồng loạt giảm sâu trong tháng 8 lần lượt là 53%, 49% và 14%.
Theo đại diện một doanh nghiệp, mặc dù hiện nay xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đang dần thu hẹp mức giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, rất khó xảy ra khả năng các thị trường trọng điểm nhập khẩu cá ngừ của nước ta sẽ phục hồi như năm ngoái. Chính vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh thị trường nhỏ và khai phá thêm thị trường mới sẽ là điểm doanh nghiệp cần lưu tâm. Thêm nữa, chọn đúng sản phẩm cho mỗi phân khúc thị trường cũng rất quan trọng. Thông tin từ VASEP cho thấy, Anh nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Việt Nam, chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng tới 98% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp lại giảm.
Ngược lại, năm nay Italy nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, chiếm tới hơn 50% giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này và tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, xuất khẩu thịt, fillet cá ngừ đông lạnh sang thị trường này cũng tăng mạnh tới 71% so với cùng kỳ.
Tại thị trường Hàn Quốc, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp sang thị trường này cũng đang tăng mạnh, đặc biệt cá ngừ đóng hộp khi tăng 468% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 8 cho Hàn Quốc, nhưng lại là nguồn cung sản phẩm chế biến và đóng hộp lớn nhất tại thị trường này trong nửa đầu năm 2023. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới của người dân khi kinh tế suy thoái, sản phẩm giá rẻ lên ngôi. 7 tháng đầu năm 2023, giá trung bình xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang Hàn Quốc dao động từ 3,2 – 3,5 USD/kg.
Tương tự, tại thị trường EU, trong khi xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam trong nửa đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm 2022 thì xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang thị trường này lại tăng tới 71%. Và cá ngừ đóng hộp đang là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU trong giai đoạn này.
Nền kinh tế thế giới “không khỏe” đã tác động rất lớn đến tình hình xuất – nhập khẩu của nhiều lĩnh vực, ngành thủy sản không tránh khỏi. Thế nhưng, lợi thế trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam là có bệ đỡ vững chắc từ các FTAs.
Ngày 16/7, Vương quốc Anh đã ký kết thỏa thuận, chính thức trở thành thành viên thứ 12 của khối Hiệp định CPTPP. Như thế, cùng với UKVFTA, ưu đãi từ CPTPP sẽ mở cơ hội cho sản phẩm thủy sản Việt Nam vào thị trường Anh, trong đó cá ngừ đang có nhiều ưu thế.
Theo các doanh nghiệp, ưu đãi về thuế quan theo thỏa thuận tại EVFTA cũng là một nguyên nhân khiến sản phẩm cá ngừ của Việt Nam thu hút được nhiều nhà nhập khẩu Italia, bất chấp bối cảnh giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao.
Năm 2023, dự báo xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính vẫn nhiều khó khăn. Vì thế, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ nước ta rất chú trọng khai thác tiềm năng từ các thị trường. Tại thị trường EU, phải kể đến là “cửa ngách” tại Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha. Tại thị trường châu Á, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Israel, Thái Lan có sự tăng trưởng ấn tượng. Ngoài ra, phải kể đến các mảnh đất màu mỡ như Nga, Hàn Quốc, Anh, Australia, Phần Lan, Algeria…
Bên cạnh điểm nghẽn thị trường, xuất khẩu cá ngừ còn một nỗi lo nữa là về nguyên liệu đầu vào cho chế biến. Các doanh nghiệp cho rằng, nguyên liệu trong nước hiện chỉ đáp ứng được 25% công suất chế biến. Để nắm vững cơ hội, doanh nghiệp buộc phải lựa chọn nhập khẩu nguyên liệu. Chính vì thế, doanh nghiệp mong muốn Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cùng bàn bạc để mở thêm hạn ngạch nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn lo lắng hạn ngạch xuất khẩu. Điển hình với thị trường Italy, bước vào những tháng cuối năm, khi hạn ngạch ưu đãi thuế quan được sử dụng hết, nhiều khả năng xuất khẩu sang thị trường này sẽ chững lại. Với thị trường lớn EU, mọi việc sẽ phụ thuộc vào kết quả thanh tra chương trình chống khai thác IUU của EC vào tháng 10 này, nếu “thẻ vàng” không được tháo gỡ, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Còn tại thị trường Nhật Bản, theo VASEP, sản phẩm cá ngừ của Việt Nam bị áp mức thuế cao nên không thể cạnh tranh được với các nước được hưởng chính sách thuế quan ưu đãi, chẳng hạn như Thái Lan, Philippines… Chính vì thế, doanh nghiệp kiến nghị các đơn vị chức năng cân nhắc đến việc đàm phán lại với Nhật Bản; và mức thuế đề nghị là 0%.
>> Cá ngừ đóng vai trò quan trọng trong ngành thủy sản Việt Nam, hằng năm đóng góp kim ngạch xuất khẩu khoảng 450 - 550 triệu USD. Đồng thời, hoạt động đánh bắt cá ngừ gắn liền với đông đảo ngư dân trong công cuộc khai thác xa bờ, giữ gìn biển, đảo Tổ quốc.
Phan Thảo