Gần 30 năm gắn bó với hoạt động dân số, miệt mài tham gia công tác tuyên truyền vận động, cô Thạch Thị Sương, trú tại ấp Xung Thum A (xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện tốt chính sách DS – KHHGĐ của địa phương.
Đã bước sang tuổi 61 nhưng cô Sương vẫn rất nhanh nhẹn và nhiệt tình tham gia vào việc tuyên truyền chính sách dân số, các hoạt động liên quan đến chăm sóc SKSS, sử dụng BPTT cho mọi đối tượng trên địa bàn.
Cô Sương tham gia vào hoạt động dân số từ năm 1990. Cô tâm sự: “Tôi tình nguyện làm việc này bởi hơn ai hết, tôi hiểu được sự cơ cực, túng thiếu của những gia đình sinh nhiều con, nhất là các hộ ven biển”. Hơn 20 năm làm công tác dân số nói chung, đến năm 2009 khi Đề án kiểm soát dân số vùng biển và ven biển được triển khai, cô trở thành “tình nguyện viên ruột” của Đề án. Với mong muốn làm tốt việc vận động các gia đình sống trong khu vực ven biển sinh ít con, quan tâm chăm sóc và giáo dục các con thường xuyên, cô đã đều đặn tới từng gia đình vận động về lợi ích của việc sinh ít… Thời gian đầu, cô gặp không ít khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động. Nguyên nhân, do cô chưa nắm bắt được tư tưởng của người dân vùng biển muốn sinh đông con để tăng nguồn lao động trong gia đình. Do vậy, việc vận động sinh con theo quy định không dễ chút nào. Tuy nhiên, cô Sương đã kiên trì đi đến từng gia đình vận động, hiểu được nguyện vọng, khó khăn, trăn trở của chị em và mạnh dạn vận động chị em thực hiện KHHGĐ để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Được phân công quản lý 210 hộ với 1.005 khẩu, mặc dù địa bàn rộng nhưng cô không ngại gian khó. Bằng việc ghi chép và nắm bắt tình hình, cô Sương luôn bám sát địa bàn, nắm chắc đối tượng, theo dõi biến động dân số tại xã. Nội dung các buổi tuyên truyền vận động liên quan đến chăm sóc SKSS/KHHGĐ, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh… Đối tượng được cô quan tâm và thường xuyên vận động là những gia đình nghèo, đông con, sinh con một bề, có nguy cơ sinh con thứ ba… Ngoài ra, cô cũng thường xuyên tuyên truyền về lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch, động viên họ thực hiện KHHGĐ.
Bằng cách làm của mình, hằng năm cô Sương đã vận động thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trong chiến dịch Đề án 52. Theo đó, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các BPTT ngày càng nhiều, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Ghi nhận những nỗ lực không ngừng cũng như nhiều sáng kiến hay trong công tác dân số, cô Thạch Thị Sương đã nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp DS – KHHGĐ và nhiều giấy khen của Chi cục DS – KHHGĐ Sóc Trăng. Hiện, cô vẫn tâm huyết với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của mình.