(TSVN) – Hỏi: Tôm hùm bị bệnh đen mang thì phải điều trị ra sao?
(Phạm Trọng Mạnh, xã Tân Hải, huyện La Gi, tỉnh Bình Thuận)
Trả lời:
Theo mô tả, tôm hùm có thể đã bị bệnh đen mang. Nguyên nhân là do các ký sinh trùng sán lá đơn chủ (xuất hiện nhiều sau các cơn mưa), nấm Fusarium, vi khuẩn dạng sợi Vibrio, nồng độ khí độc Amoniac (NH3) và Hydro Sulfur (H2S) trong môi trường cao. Khi bị bệnh, mang tôm bị đen do sắc tố Melanin phát triển tại các mô của mang bị ký sinh trùng phá hủy. Mang tôm có những điểm đen, các tơ mang chuyển màu đen, mang thối rữa toàn bộ.
Quan sát bằng mắt thường thấy những búi sán lá đơn chủ trắng nhỏ như sợi tóc. Sán lá sẽ đục thủng mang gây hoại tử tế bào. Thân tôm cũng xuất hiện những đốm đen, mắt tôm cũng có thể chuyển sang màu đen. Bệnh xuất hiện ở cả tôm con và tôm trưởng thành. Tôm bỏ ăn, hô hấp kém, nằm dưới đáy lồng và chết hàng loạt. Biện pháp phòng, trị bệnh:
– Tắm cho tôm bằng Formol với nồng độ 15 – 25 ml/m3 nước trong 10 – 15 phút, có sục khí. Thời gian chữa trị từ 5 – 7 ngày.
– Tắm cho tôm bằng Sulfat đồng, nồng độ 0,5 g/m3 nước trong 5 – 7 phút, có sục khí. Thời gian điều trị từ 5 – 7 ngày. Lưu ý tôm bệnh sau khi xử lý thuốc cần được thả nuôi ở một lồng khác.
– Treo những túi vải có chứa vôi ở giữa lồng tôm hoặc đặt ở những vùng đáy lồng nuôi bị ô nhiễm. Vôi có tác dụng diệt ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn tốt.
– Có thể sử dụng một số kháng sinh như Norfloxacin, Nalidixic acid, Ciprofloxacin để phòng trị bệnh bằng cách trộn vào thức ăn với lượng 30 – 50 mg/kg thức ăn. Thời gian điều trị từ 5 – 7 ngày.
Ban KHKT