(TSVN) – Hỏi: Tôm hùm kém ăn, bỏ ăn, thân tôm có xuất hiện những đốm đen. Một số con đã chết. Hỏi đây là bệnh gì và biện pháp khắc phục ra sao?
(Ngô Quốc Hùng, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa)
Trả lời:
Theo mô tả, tôm hùm có thể đã bị bệnh đen mang. Nguyên nhân gây bệnh là do các ký sinh trùng sán lá đơn chủ (xuất hiện nhiều sau các cơn mưa), nấm Fusarium, vi khuẩn dạng sợi Vibrio, nồng độ khí độc Amoniac (NH3) và Hydro Sulfur (H2S) trong môi trường cao.
Đối với tôm hùm bị bệnh đen mang, việc điều trị bệnh bằng cách trộn kháng sinh cho tôm ăn sẽ không mang lại hiệu quả. Nếu tôm đã nhiễm bệnh, người nuôi sử dụng Formaline 100 – 200 ppm tắm cho tôm trong thời gian 10 – 15 phút mỗi ngày, thực hiện trong 2 – 4 ngày để điều trị bệnh.
Người nuôi cần lưu ý, tách riêng những con tôm có dấu hiệu bệnh (cho vào các thùng chứa để điều trị) nhằm giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh cho cả đàn tôm và sẽ đơn giản hơn trong quá trình trị bệnh. Thao tác bắt tôm lên điều trị bệnh phải nhẹ nhàng, tránh xây xát tôm. Trước khi tắm tôm phải chuẩn bị tất cả các khâu cần thiết, tránh trường hợp đưa tôm lên khỏi lồng mà chưa tiến hành điều trị ngay.
Để phòng bệnh, cần thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của tôm, loại bỏ những cá thể tôm mắc bệnh ra khỏi hệ thống nuôi để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh. Nếu xảy ra vấn đề bất thường, dịch bệnh, cần báo sớm cho thú y cơ sở hoặc Trạm Chăn nuôi và thú y địa phương để được hướng dẫn các giải pháp xử lý kịp thời.
Người nuôi cần tăng lưu lượng dòng chảy qua lồng nuôi bằng cách vệ sinh lồng nuôi thường xuyên, chuyển lồng nuôi đến địa điểm nuôi mới để tránh sự ô nhiễm cục bộ.
Bên cạnh đó, chọn địa điểm nuôi thích hợp, không đặt lồng sát đáy, vớt thức ăn dư thừa, sát trùng thức ăn (bằng thuốc tím)…
Ban KHKT