Mặc dù nuôi tôm nước lợ đang được mùa nhưng nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không mấy phấn khởi vì giá tôm xuống thấp, nông hộ thu lãi ít.
Nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh đang bước vào thu hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 2. Ông Nguyễn Chí Thịnh (thôn An Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) cho biết, với 2 ao nuôi có diện tích 1.000 m2, thả nuôi 100.000 con giống tôm thẻ chân trắng, sau 3 tháng nuôi, thu hoạch được hơn 1 tấn tôm, bán được gần 100 triệu đồng, chỉ lãi chừng 20 triệu đồng.
“Mọi khi với cỡ tôm 100 con/kg thì giá bán hơn 100 nghìn đồng/kg, nhưng nay với cỡ tôm 90 con/kg cũng chỉ bán được 90 nghìn đồng, rất thấp. Trong khi đó, chi phí sản xuất ngày một tăng cao nên chúng tôi lãi rất ít” – ông Thịnh nói.
Theo tìm hiểu, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 120 con/kg chỉ có giá 80 nghìn/kg, loại 80 con/kg có giá 110 nghìn đồng/kg, loại 60 con/kg có giá 125 nghìn đồng/kg.
Nhiều nông hộ cho rằng, tư thương, đầu nậu ép giá khi thu mua tôm thương phẩm nhưng không thể để lâu, chờ bán giá cao hơn vì giá thức ăn cho tôm hiện nay đã lên đến 40 nghìn đồng/kg, rất tốn kém. Còn các tư thương cho rằng do dịch bệnh Covid-19, khó tiêu thụ ở thị trường ngoài nước nên các doanh nghiệp bỏ đơn hàng, bắt buộc chỉ bán tôm thương phẩm ở các chợ đầu mối.
“Có khi đã mua nhiều tôm thương phẩm của nông hộ nhưng đối tác không chịu nhận hàng, kỳ kèo nên phải thuê kho đông lạnh dự trữ, rất tốn kém” – bà Nguyễn Thị Huyền (xã Tam Hải, Núi Thành, tư thương thu mua tôm) cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu, trong đó có mặt hàng tôm bị đứt gãy ở nhiều thị trường nên đầu ra qua kênh xuất khẩu khó khăn. Ở thị trường nội địa, nhiều nhà hàng, khách sạn hoạt động cầm chừng nên tiêu thụ của mặt hàng tôm cũng hạn chế.
Để hỗ trợ các địa phương, người nuôi tôm, doanh nghiệp ổn định đầu ra, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng, phát triển năng lực nghiên cứu thị trường, thành lập các cơ sở dữ liệu chính thống, kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp và người sản xuất tiếp cận, chủ động đầu ra. Về phía người nuôi tôm, nhất thiết phải chú trọng hơn đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư nuôi tôm bài bản, nâng cao chất lượng nguyên liệu tôm chế biến để các sản phẩm từ tôm nuôi tăng sức cạnh tranh trên thị trường ngoài nước.
Theo ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trong các mặt hàng nông nghiệp, con tôm có giá trị rất cao, nếu nuôi đạt, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn nông hộ có thể thu được giá trị kinh tế cao.
“Quy hoạch nuôi tôm đã được thông qua ở vùng đông của tỉnh là cơ sở để sản xuất, nuôi tôm chuyên sâu, xóa dần tình trạng bấp bênh, manh mún. Chúng tôi vận động các nông hộ, nhóm nông hộ phối hợp thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, các cơ chế hỗ trợ khác của nhà nước để nuôi tôm bền vững” – ông Ngô Tấn nói.
Nguyễn Quang