Nhiều năm qua, trồng lúa kết hợp nuôi tôm sú được xem là mô hình bền vững trên địa bàn huyện Thới Bình (Cà Mau). Con tôm sú đã giúp giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giàu, cá biệt có những hộ thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, vụ nuôi năm 2019 – 2020, tôm sú mùa nước mặn phát triển chậm, giá cả không ổn định, người nuôi chịu nhiều thiệt hại. Bù lại, bà con thắng lợi vụ thu hoạch tôm thẻ chân trắng.
Ông Nguyễn Văn Hiện, Trưởng ban Nhân dân ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, cho biết: “Vụ tôm sú vừa qua, gia đình tôi thả nuôi hơn 2 ha, sau hơn 3 tháng chăm sóc, tôm không lớn do nắng nóng và độ mặn tăng cao, buộc phải thu hoạch sớm, tôm chỉ đạt trọng lượng 70 – 80 con/kg, giá bán hơn 70.000 đồng/kg. Thu hoạch hòa vốn, lỗ công chăm sóc và mất thời gian. Đây là năm đầu tiên gia đình tôi và người dân nơi đây thất bại trong vụ tôm sú đầu. Hơn nữa, mùa hạn mặn năm 2019 – 2020 này, người nuôi tôm sú đạt hiệu quả không cao, nhất là từ sau Tết Nguyên đán, nhiều người dân địa phương nuôi tôm sú bị lỗ nặng, vì tôm quá nhỏ, không bán được; trong khi đó, các điểm thu mua tôm nguyên liệu tại các xã và ở các xóm ấp cũng hạn chế thu mua. Gia đình tôi cùng nhiều bà con đã quyết định chuyển hẳn sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng”.
Bà con nông dân xã Biển Bạch Đông sắp xếp tôm trước khi bán cho thương lái.
Với 4 ha nuôi tôm sú không thành công, ông Lê Minh Toàn (ấp Sông Cái, xã Biển Bạch Đông) chuyển sang thả nuôi hơn 150.000 con tôm thẻ chân trắng giống. Hơn 2 tháng chăm sóc, ông thu hoạch gần 3 tấn, bán được gần 200 triệu đồng. Ông Toàn cho biết, dọc tuyến Kênh 500 này, trước đây bà con đều nuôi tôm sú, nhưng từ ngày độ mặn tăng cao, tôm sú chậm lớn, rủi ro liên tục, nhiều hộ tự chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng và trúng đậm.
Khoảng tháng 10/2019, gia đình anh Nguyễn Văn Tổng (Ấp 2, xã Thới Bình) thả nuôi tôm sú trên diện tích hơn 5 ha, nhưng gần 3 tháng chăm sóc, thấy tôm chậm lớn, gia đình chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. “Lúc đầu, mô hình này cũng không mấy hiệu quả, do chúng tôi chưa nắm vững kỹ thuật nuôi. Nhờ tìm tòi, học hỏi, nên từ sau tết Nguyên đán đến nay, gia đình thu hoạch hơn 10 tấn tôm, thu nhập hơn 600 triệu đồng”, anh Tổng chia sẻ.
Theo anh Trịnh Thanh Luận (ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch) cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng là mô hình mới với người dân nơi đây. Mô hình này dễ chăm sóc, tiện lợi và kỹ thuật nuôi đơn giản hơn nhiều so với nuôi tôm sú, cũng không tốn nhiều thời gian, nên đã thu hút nhiều hộ dân thực hiện. “Vụ tôm thẻ chân trắng vừa qua, chỉ gần 2 tháng chăm sóc, với 3 ha, gia đình tôi thu hoạch được hơn 1,2 tấn, tôm đạt trọng lượng 100 con/kg, giá bán 70.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận gần 70 triệu đồng”, anh Luận nói.
Ông Nguyễn Trang Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông cho biết, theo thống kê của xã, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở địa phương đang phát triển mạnh trên diện tích hơn 4.000 ha. Hơn nữa, gần đây các đại lý tôm giống đã đến thuê đất xây dựng trại ương, vèo tôm giống phục vụ người dân nơi đây, nên diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng cao. Thêm nữa, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến thành lập các điểm thu mua, đến trực tiếp tại từng hộ dân, tạo sự ổn định về đầu ra cho con tôm thẻ chân trắng nguyên liệu, nên người dân mạnh dạn thả nuôi, thu nhập bình quân từ tôm thẻ chân trắng hơn 15 triệu đồng/ha/vụ. “Nhờ vậy, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tiếp tục mở rộng, sản lượng tôm cũng tăng cao, đồng nghĩa với việc nhiều hộ dân địa phương ổn định thu nhập”, ông Nghiêm khẳng định.
Với sự linh hoạt của nông dân, cùng sự quan tâm chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp của các cấp, các ngành, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mùa hạn mặn tại Thới Bình đã “cứu” mùa tôm sú kém hiệu quả. Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Hiện nay, tổng diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện ngày càng tăng cao. Dự kiến sản lượng thu hoạch vụ này đạt trên 20.000 tấn. Nhờ sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt kết quả cao nên sẽ bù đắp nguyên liệu thiếu hụt từ hơn 10.000 ha tôm sú chậm lớn. Huyện đang kiến nghị xây dựng đề án chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng đa canh, đa con trên cùng diện tích, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp”.