Tại những vùng mặn, lợ khu vực ÐBSCL, trong khi người nuôi tôm nước lợ hết sức khó khăn mới tìm được điểm hòa vốn hoặc có lời chút ít, thì những người nuôi cá chẽm lại hả hê vì vừa trúng mùa vừa bán được giá cao.
Khá may mắn, khi hôm chúng tôi đến trùng với lúc trang trại của Công ty TNHH Ðại Ngư Nghiệp (xã Liêu Tú, huyện Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng) đang thu hoạch ao cá chẽm để giao cho khách hàng ở chợ Bình Ðiền (TP Hồ Chí Minh). Khi mẻ lưới vừa được gom lại thì những con cá chẽm lớn cỡ 1,2 – 1,5 kg bắt đầu quẫy mạnh, tung nước trắng xóa. Anh Võ Ðiền Trung Dũng, Giám đốc Công ty cho chúng tôi biết, lứa cá này anh nuôi được 8 tháng và kích cỡ đã đạt theo yêu cầu của khách hàng. Anh Dũng cho biết: “Hiện giá cá chẽm loại size nhỏ (0,5 – 0,9 kg/con) chỉ còn 73.000 đồng/kg, còn loại size 1,2 kg/con trở lên giá khoảng 75.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm khá nhiều so với những tháng đầu năm, nhưng nếu nuôi đạt tỷ lệ sống và thời gian không kéo dài người nuôi vẫn có lời 5.000 – 7.000 đồng/kg”.
Thu hoạch cá chẽm tại trang trại của Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp.
Anh Ngô Thanh Tuấn, xã Hòa Ðông, TX Vĩnh Châu cũng là một trong số hộ nuôi cá chẽm quy mô lớn ở Sóc Trăng không giấu niềm vui khi nói về vụ cá chẽm năm nay: “Giá cá chẽm những tháng đầu năm rất cao, có thời điểm lên đến 90.000 đồng/kg và kéo dài hơn 1 tháng, còn bình quân cũng được khoảng 80.000 đồng/kg, tính ra mỗi ký cá chẽm người nuôi có lời 10.000 – 20.000 đồng, nên năm nay người nuôi cá chẽm “ăn đứt” những người nuôi tôm”. Phải đến khi anh Ngô Thanh Tuấn và anh Võ Ðiền Trung Dũng tiết lộ thêm về năng suất cá chẽm thì tôi mới hiểu hết ý nghĩa của từ “ăn đứt” mà anh Tuấn vừa nói. Nếu như trước đây, mỗi héc-ta nuôi cá chẽm chỉ cho thu hoạch khoảng 20 – 25 tấn thì hiện tại con số này bình quân lên đến 50 tấn, thậm chí có người đạt đến 100 tấn. Với năng suất trên, tính ra những tháng đầu năm, nếu vụ nuôi suôn sẻ người nuôi cá chẽm có lời từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, một con số mà ngay cả những người nuôi tôm thẻ siêu thâm canh cũng ghen tị.
Hiện tại, giá đã giảm xuống do sức tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu đều giảm. Theo anh Ngô Thanh Tuấn, cá chẽm đi chợ Bình Ðiền hiện thương lái xuống bắt chỉ vài tấn/đợt, còn hàng xuất khẩu có kiểm kháng sinh bán cho Công ty Vạn Ðức (Tiền Giang) vài chục tấn. Anh Ngô Thanh Tuấn chia sẻ: “Hiện chỉ còn có Công ty Vạn Ðức “ăn hàng” nên lượng tiêu thụ cũng hạn chế kéo giá cá giảm. Giá thành nuôi cá hiện vào khoảng 65.000 – 70.000 đồng/kg, với giá cá chẽm hiện tại lợi nhuận sẽ không cao lại nhiều rủi ro, nên sau khi thu hoạch lứa cá chẽm vừa rồi tôi đã tạm ngưng để chờ nghe ngóng thị trường rồi mới quyết định”.
Con cá chẽm nuôi không khó, vấn đề là thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vẫn chưa thật sự ổn định, nên diện tích nuôi biến động khá nhiều hàng năm, chưa tạo được sức hấp dẫn để doanh nghiệp tiến hành liên kết thu mua với người nuôi. Công ty của anh Võ Ðiền Trung Dũng có 2 khu nuôi với tổng diện tích hơn 40ha, sản lượng thu hoạch hàng năm bình quân khoảng 2.000 tấn; trong đó, 85% là cá chẽm và 15% là cá đù (hay còn gọi là cá hồng mỹ). Ngoài ra, anh Võ Ðiền Trung Dũng còn liên kết với các hộ nuôi trong tỉnh theo hình thức cung ứng con giống, thức ăn và thu mua lại cá thương phẩm mỗi năm khoảng 2.000 tấn. Cũng theo anh Võ Ðiền Trung Dũng, con cá đù cũng rất dễ nuôi nhưng do chưa có thị trường xuất khẩu nên anh chưa dám mở rộng diện tích nuôi vì kinh nghiệm những năm trước cho thấy, mỗi khi sản lượng cá đù tăng lên thì giá cá giảm xuống rất mạnh, gây rủi ro cho người nuôi. Anh Võ Ðiền Trung Dũng chia sẻ: “Chỉ cần có thị trường xuất khẩu thì việc mở rộng diện tích nuôi cá đù là không khó vì hiện tại từ con giống cho đến thức ăn, quy trình nuôi… trong nước mình đều chủ động được. Con cá chẽm cũng tương tự như vậy, khi năm nào xuất khẩu thuận lợi thì y như rằng năm đó sản lượng cá chẽm sẽ tăng mạnh. Riêng công ty của tôi, với sản lượng hàng năm khoảng 4.000 tấn, được chia đều cho cả xuất khẩu lẫn nội địa, nên khâu tiêu thụ khá ổn định, chỉ có hộ nuôi nhỏ lẻ không có liên kết với doanh nghiệp là còn bấp bênh”.
Cũng theo anh Võ Ðiền Trung Dũng, sản lượng cá chẽm hằng năm của Sóc Trăng đứng đầu cả nước với trên 20.000 tấn. Kế đến là Khánh Hòa khoảng trên dưới 10.000 tấn, còn lại là các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình… mỗi tỉnh vài ngàn tấn. Ngoài tiêu thụ thị trường nội địa, cá chẽm còn được xuất đi một số nước châu Á, châu Âu, Mỹ, Canada… Anh Võ Ðiền Trung Dũng cho biết thêm: “Hàng xuất đi các nước châu Á là dễ nhất khi mình chỉ cần nuôi khoảng 6,5 tháng là thu hoạch. Lúc này cá đạt trọng lượng từ 0,5 – 1,2 kg/con (tức bình quân khoảng 0,95 kg/con). Còn nếu xuất đi châu Âu, Mỹ hay Canada thì cá phải đạt kích cỡ 2,5 – 2,7 kg/con nên thời gian nuôi kéo dài 12 – 14 tháng, nhưng bù lại giá bán được cao hơn”.
Thuận lợi của con cá chẽm là được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, không phân biệt dân tộc hay tôn giáo. Hiện nhiều nước đang sử dụng, như Úc, Malaysia, Thái Lan, các nước Trung Ðông, châu Âu, Mỹ, Canada… Anh Võ Ðiền Trung Dũng khẳng định: “Hiện tại, nếu xét về giá thành thì cá chẽm Việt Nam đủ sức cạnh tranh với Thái Lan và Malaysia. Còn khó khăn thứ nhất chủ yếu là nhỏ lẻ, không tập trung, dẫn đến có sự chồng chéo, kéo theo tình trạng thừa, thiếu cục bộ làm cho xuất khẩu gặp khó. Do đó, theo tôi, ngành Nông nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến đối tượng nuôi này không chỉ vì giá trị con cá chẽm hiện đang đứng đầu nhóm nuôi biển, mà dư địa phát triển con cá chẽm còn rất lớn”.
Bài, ảnh: Hoàng Nhã
Nguồn: Báo Cần Thơ