Chiều 9/12, tại Hà Nội, Tổng cục DS – KHHGĐ, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số năm 2014, với chủ đề “Duy trì mức sinh hợp lý – Vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”; Đồng thời, phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam trao giải cuộc thi Báo chí toàn quốc về công tác DS – KHHGĐ.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các Sở Y tế, Chi cục DS – KHHGĐ các tỉnh đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, trong những năm qua, công tác DS – KHHGĐ của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,4 con năm 1960 xuống còn 2,1 con vào năm 2013; Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giảm từ 3,5% năm 1960 xuống còn 1,05% năm 2013; quy mô dân số năm 2013 chỉ đạt 90 triệu người; tuổi thọ bình quân tăng từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2013.
Tuy nhiên công tác DS – KHHGĐ vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Quy mô dân số Việt Nam còn lớn và vẫn tiếp tục tăng, mức sinh biến động, nhiều tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế; một số tỉnh, thành mức sinh giảm quá thấp gây bất lợi đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Hơn nữa, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước (hiện là 113,8 trai/100 gái).
Để giải quyết thực trạng này, theo Bộ Y tế, ngành dân số tập trung tăng cường truyền thông giáo dục, vận động để người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi về lựa chọn giới tính khi sinh, có các chính sách ưu tiên nữ giới, những gia đình sinh con một bề là gái, tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh.
Cũng tại Lễ Phát động, Tổng cục DS – KHHGĐ đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết và trao giải Giải Báo chí toàn quốc về công tác DS – KHHGĐ năm 2014.
Được biết, từ 19/5 – 30/10, gần 250 tác phẩm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình khắp các địa phương trong cả nước và từ các cơ quan báo chí Trung ương đã gửi về tham gia. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 36 giải cho các tập thể, cá nhân. Về loại hình báo hình (truyền hình), giải A thuộc về Phóng sự “Mong sao sẽ không còn những giọt nước mắt buồn” (Đài PT-TH Sơn La); 2 giải B; 3 giải C và 5 giải Khuyến khích. Về các loại hình báo chí khác (báo in, báo điện tử, báo phát thanh), giải Đặc biệt thuộc về loạt bài Tổng quan về tình trạng hôn nhân cận huyết thống tại các vùng dân tộc thiểu số (Tạp chí Dân tộc); 2 giải A; 5 giải B; 7 giải C và 8 giải Khuyến khích. Ngoài ra, 2 tập thể gồm: Chi cục DS – KHHGĐ Long An và Báo Gia đình và Xã hội đã được trao giải Tập thể có nhiều tác phẩm tham dự.