(TSVN) – Năm 2023, thế giới chứng kiến biểu đồ giá tôm đi xuống. Xuất khẩu tôm của một số quốc gia ghi nhận giảm, nhưng một số “anh cả” trong ngành vẫn tiếp tục tăng trưởng không ngừng. Tính riêng 3 quý đầu năm, xuất khẩu tôm của top 6 quốc gia trên thế giới tăng nhẹ, từ 1.65 triệu tấn (năm 2021) lên 1,85 triệu tấn (năm 2022) và 1,87 tấn (năm 2023).
Ảnh: Shutterstock
Sau tất cả những khủng hoảng chưa từng có mà ngành tôm Ecuador phải đối mặt trong 6 tháng đầu năm như giá giảm, bất ổn an ninh…., một số người cho rằng xuất khẩu tôm nước này sẽ “hãm phanh” trong quý III. Nhưng họ đã sai lầm. Xuất khẩu tôm của Ecuador vẫn đạt 306.162 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Bước sang đầu quý III, Ecuador chứng kiến sự giảm nhẹ (9%) so với cùng kỳ năm trước, nhưng ngay sau đó xuất khẩu tiếp tục quay đầu tăng mạnh 18% và 13% trong tháng 8 và tháng 9. Sang tháng 10, xuất khẩu tôm đạt kỷ lục tuy sức tăng trưởng có phần chững lại. Tính chung 10 tháng đầu năm, Ecuador xuất khẩu 1,01 triệu tấn tôm, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị xuất khẩu tôm của Ecuador. Nguồn: CNA Ecuador
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là “điểm đến” lớn nhất của tôm Ecuador, góp phần vào sự tăng trưởng của ngành tôm nước này. Theo Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA), ba quý đầu năm, xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc tăng 26% về khối lượng và 2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu tôm của Ấn Độ trong ba quý đầu năm 2023 tăng 2% so với năm 2022, và chỉ thấp hơn 1% so với năm 2021 – năm xuất khẩu tôm kỷ lục của nước này. Xét theo từng quý có thể thấy, xuất khẩu quý I tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; quý II giảm 11%; quý III tăng trở lại 6%. Tính riêng quý III, xuất khẩu tôm tháng 7 giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022; tháng 8 tăng 17% và tháng 9 tăng 19%. Tháng 8 và tháng 9, xuất khẩu tôm Ấn Độ thậm chí cao hơn cùng kỳ năm 2021.
Về sản phẩm, xuất khẩu TTCT nguyên liệu (HS03061720) cả năm 2023 dự kiến tăng 2%, chiếm 86% tổng khối lượng xuất khẩu của Ấn Độ, tỷ lệ này tương đương năm 2022, nhưng giảm 90% so với năm 2021. Xuất khẩu tôm sú (HS03061740) tăng 91%, chiếm 5% tổng khối lượng xuất khẩu của nước này, tỷ lệ tăng 2% so với năm 2022 và 1% so với 2021. Sản phẩm giá trị gia tăng (HS160521/29) giảm 18%, chiếm 9% tổng khối lượng xuất khẩu của cả nước, tỷ lệ giảm 11% so với 2022 và tăng 8% so với 2021. Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Ấn Độ trong năm 2023, lần lượt đạt 214.044 tấn (tăng 1%) và 104.819 tấn (tăng 3%).
Mặc dù xuất khẩu tôm Việt Nam có sự tăng trưởng rõ rệt ở những tháng đầu năm, nhưng tính chung 3 quý vẫn giảm 31%. Xét riêng từng quý, xuất khẩu giảm 30% trong quý I, 38% ở quý II và 22% ở quý III. Tính riêng quý III, xuất khẩu tháng 7/2023 giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, tháng 8 giảm 18%, tháng 9 giảm 15%. Nếu vẫn tiếp tục xu hướng này, xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý IV sẽ đạt mức tương tự như năm 2022.
Về thị trường, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Trung Quốc vẫn là top 6 điểm đến đầu tiên của tôm Việt. Trong đó, 3 quý đầu năm 2023: xuất khẩu sang Mỹ đạt 43.865 tấn (giảm 22%); sang EU đạt 31.325 tấn (giảm 39%); Hàn Quốc đạt 30.179 tấn (giảm 21%); Anh đạt 12.144 tấn (giảm 13%); và Trung Quốc đạt 8.405 tấn (giảm 72%).
Tuy nhiên, bước sang tháng 10, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương tại các thị trường Mỹ, Canada, Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất, chiếm tỷ trọng 21% trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương liên tục 4 tháng (tháng 7 – tháng 10).
Cũng giống như Việt Nam, đầu năm 2023, ngành tôm Indonesia chứng kiến sức tăng mạnh mẽ; tuy nhiên xét chung 3 quý đầu năm vẫn giảm 17%. Theo đó, quý I giảm 23%, quý II 15%, quý III 11%. Tháng 10, xuất khẩu chỉ giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. Quý IV tuy sức giảm đã thu hẹp dần qua các tháng, nhưng tính chung cả năm cũng không có nhiều khả quan.
Về thị trường, xuất khẩu tôm Indonesia sang Mỹ giảm năm thứ hai liên tiếp. Sau mức giảm 10% năm 2022, Indonesia tiếp tục chứng kiến biểu đồ lao dốc 16% ở năm 2023. Tại Nhật Bản, xuất khẩu cũng ghi nhận giảm 16%. Malaysia tuy là thị trường nhỏ nhưng có sự tăng trưởng nhập khẩu tôm Indonesia. Trung Quốc vẫn được xem là thị trường xuất khẩu tiềm năng, với dự đoán xu hướng tăng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Xuất khẩu tôm nguyên liệu và tôm giá trị gia tăng của Thái Lan. Nguồn: Bộ Thương mại Thái Lan
Tuy khối lượng xuất khẩu tôm của Thái Lan giảm kỷ lục trong năm 2020 với 400.000 tấn; nhưng sau đó con số này đã được cải thiện lên 125.000 trong năm 2018 và duy trì ổn định tới 2022. Trong 3 quý đầu năm 2023, Thái Lan xuất khẩu 84.055 tấn tôm, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh thế giới dư cung quá mức, xuất khẩu tôm cả năm của Thái Lan có thể giảm 110.000 – 115.000 tấn.
Ông Ekapoj Yodpinit, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan, cho biết dự kiến xuất khẩu tôm cả năm 2023 đạt 120.000 tấn; tuy nhiên bước qua năm 2024 sản lượng tôm cả nước sẽ đạt 290.000 tấn, xuất khẩu cũng theo đó tăng khoảng 10%.
Giống như Thái Lan, xuất khẩu tôm của Trung Quốc cũng giảm về mức kỷ lục trong năm 2022, với 125.000 tấn. Nhưng trái ngược với Thái Lan, xuất khẩu tôm nguyên liệu của Trung Quốc ngay sau đó đã quay đầu tăng mạnh. Ngày nay, xuất khẩu tôm nguyên liệu nước này chủ yếu là tôm khai thác tự nhiên; song song với đó, xuất khẩu tôm giá trị gia tăng tương đối ổn định.
Xuất khẩu tôm giá trị gia tăng của Trung Quốc. Nguồn: Hải quan Trung Quốc
Kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất từ nửa cuối 2022, khắp thế giới dần bước vào thời kỳ suy thoái, giá cả hàng hóa đều tăng, trong đó có thủy sản. Thị trường nhập khẩu bắt đầu lung lay, tình hình xuất khẩu chìm trong bức màn xám. Do đó, nửa đầu 2023, xuất khẩu thủy sản nói chung và tôm nói riêng của Trung Quốc giảm đáng kể. Không những thế, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khơi mào từ nửa cuối 2018 đã khiến Mỹ giảm nhập khẩu tôm từ Trung Quốc, thay vào đó Mỹ tìm kiếm nguồn cung mới từ các nước láng giềng như Canada, Chile, Ecuador và một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia. Những năm gần đây, doanh nghiệp Trung Quốc cố gắng tiếp cận thị trường Mỹ thông qua nước thứ ba như Malaysia, Mexico…, tuy nhiên sự bất tiện và chi phí là vấn đề nan giải.
LÊ NGUYÊN
(Theo Shrimp Insights)