(TSVN) – Chiều ngày 21/7, Bộ NN&PTNT tổ chức “Diễn đàn kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam” nhằm thông tin về tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023, đồng thời bàn bạc, tìm kiếm giải pháp cho xuất khẩu tôm đến cuối năm.
Tham dự Diễn đàn có Đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thủy sản, Vụ Hợp tác quốc tế, Báo Nông nghiệp VN và một số đơn vị liên quan, Bộ Công Thương (Vụ Âu Mỹ, Vụ Á Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại…), đại diện Sở NN& PTNT các tỉnh, thành phố nuôi tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông, đại diện Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại thị trường Mỹ, EU, Thương vụ Việt Nam và một số doanh nghiệp nhập khẩu tại các thị trường truyền thống (EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và các thị trường tiềm năng (Trung Đông, Á Phi…). Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Thư
Tại diễn đàn, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) đã trình bày tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 và đưa ra những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu đến cuối năm; phổ biến quy định, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng từ nay đến cuối năm 2023 và 2024 tại các thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng. Theo đó, trong năm 2022 xuất khẩu tôm Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD nhưng 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh gần 32% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc – Hồng Kông và Hàn Quốc) đồng loạt giảm 2 con số, trong đó giảm mạnh nhất tại thị trường EU (-48,9%), thị trường Mỹ giảm 38,1%, Hàn Quốc 28%, Nhật Bản 29% và Trung Quốc và Hồng Kông giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam dự báo sản lượng tôm Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ảnh: Anh Thư
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), cho biết, hiện cả nước có hơn 370 cơ sở chuyên và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm với công suất trên 1,7 triệu tấn nguyên liệu/năm và đều đáp ứng các quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tại thị trường quốc tế, Việt Nam chiếm ưu thế với các sản phẩm có giá trị gia tăng như tôm tẩm bột, tôm Nobashi, Sushi, Tempura… Chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của những thị trường khó tính, nhất là Nhật Bản. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tận dụng một số phụ phẩm tôm để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao cấp như chitin, chitosan, glucosamine, astaxanthin… Nhờ đó, các sản phẩm của ngành tôm vẫn tiếp tục được coi là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao, là một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nước ta.
Cũng theo ông Lê Thanh Hòa, để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu đã đề ra, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Anh Thư
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sản lượng tôm 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu, quy định thị trường để Bộ, ngành định hướng phát triển thị trường sản phẩm tôm, kết nối giao thương doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, cần tập trung đưa các ứng dụng khoa học công nghệ mới vào quy trình nuôi trồng, sản xuất và chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, cần cập nhật và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại thúc đẩy xuất khẩu. Để triển khai mục tiêu đa dạng hoá thị trường sản phẩm, nâng cao vị thế của ngành tôm nước lợ, Bộ Công thương cần đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định thương mại và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài ra cần tận dụng các cam kết, khai thác cơ hội từ các hiệp định đã ký, ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm tôm, nhanh chóng nắm bắt và tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do.
Anh Thư