UBND TP HCM yêu cầu các sở, ngành phối hợp tăng cường kiểm tra, chống buôn lậu đối với mặt hàng thủy sản, nhất là cá tầm không rõ nguồn gốc.
Lãnh đạo TP HCM yêu cầu Cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an Thành phố cùng các Sở Công Thương, Y tế, Thông tin – Truyền thông và UBND các quận, huyện phải có trách nhiệm phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.
Riêng Chi cục Thú y, UBND TP chỉ đạo tăng cường công tác kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản khi vận chuyển, lưu thông trong nước hoặc sản phẩm dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.
Mỗi ngày có 2 – 3 tấn cá tầm nhập lậu vào TP HCM qua sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Anh Quân.
Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản (cơ sở thu mua, lưu giữ, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm thủy sản); việc buôn bán, vận chuyển trái phép mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, nhất là mẫu vật cá tầm; đồng thời tổ chức đăng ký cho các trại nuôi loại cá này.
Tình trạng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc “tấn công” ồ ạt vào Việt Nam thời gian qua không những làm tê liệt mạng lưới phân phối cá tầm trong nước, đe dọa sự tồn tại của các nhà sản xuất, khiến hàng ngàn nông dân mất việc làm, mà còn là hiểm họa đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước đó vào tháng 7, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp chống nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc, nhất là các đầu nậu ở các tỉnh biên giới phía Bắc; tăng cường các trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu, cảng hàng không (nhất là cảng hàng không Nội Bài), cảng sông, biển để kiểm tra ngăn chặn loại cá tầm không rõ nguồn gốc…
Tại đơn kiến nghị, các đơn vị này cũng thừa nhận tình trạng “rửa cá tầm nhập lậu”. Cụ thể, một số đơn vị, cá nhân trong nước nhập lậu mặt hàng này từ Trung Quốc và dùng trại nuôi tại miền Bắc làm vỏ bọc để hợp thức hóa thành cá tầm Việt. Do đó, đơn vị này đề nghị các cơ quan chức năng cần có chỉ đạo yêu cầu đăng ký bắt buộc đối với các cơ sở nuôi cá tầm đề tiện theo dõi và truy xuất nguồn gốc trong thời gian tới.
>> Theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam, hàng ngày có 2 – 3 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào TP HCM qua sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, mặt hàng này bán ra thị trường dưới dạng tươi sống với giá chỉ khoảng 120.000 -1 30.000 đồng một kg, thấp hơn nhiều so với sản phẩm nội địa. Trung bình mỗi năm, lượng cá tầm nhập lậu vào nước ta khoảng 600 – 700 tấn. Tuy nhiên, Tập đoàn cá tầm Việt Nam lại cho rằng, con số này phải cao gấp 8 lần, lên đến 4.000 – 5.000 tấn, trong đó thị trường phía Nam tiêu thụ khoảng 60 – 70%. |