Sau thời gian tăng giá vì ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều loại hản sản được bán tại TP Hồ Chí Minh bất ngờ giảm mạnh, trong khi các loại thực phẩm khác giá vẫn neo ở mức cao.
Ngày 4/8, theo ghi nhận tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều loại hải sản hạng sang như tôm càng xanh, tôm sú, cua biển… giảm giá mạnh nhưng vẫn ế ẩm.
Cụ thể, tôm càng xanh mất giá, chỉ còn dao động ở mức 80.000 -110.000 đồng/kg. Tương tự, tôm sú loại 20 con/kg có giá 200.000 đồng, loại 30 con/kg có giá 160.000 đồng, loại 40 con/kg có giá 125.000 đồng. Còn tôm thẻ loại 30 con/kg có giá 135.000 đồng, loại 50 con/kg có giá 108.000 đồng và loại 100/kg có giá 72.000 đồng. Trong khi đó, giá cua biển cũng giảm xuống dưới 100.000 đồng/kg.
Tôm càng xanh giảm giá mạnh vì lượng tiêu thụ giảm
Chị Lê Thị Trang, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho biết, hầu hết các mặt hàng hải sản đều giảm giá vì khó tiêu thụ, trung bình mỗi mặt hàng hiện giảm từ 50.000-100.000 đồng/kg.
“Tôm thẻ, cua biển dù rớt giá vẫn tiêu thụ ổn tại thị trường trong nước. Nhưng tôm càng xanh chủ yếu xuất khẩu, hiện dịch Covid-19 phức tạp, khó xuất hàng đi, nên sắp tới nguy cơ giá tôm càng xanh sẽ còn giảm nữa”, chị Trang nói.
Cũng theo chị Trang, nếu như cá, thịt…được người tiêu dùng ưa chuộng trong những ngày dịch bệnh, thì hải sản lại là mặt hàng bị “hất hủi”, bị xem là xa xỉ nên ít người mua.
Sáng ngày 4/8, chị Nguyễn Hoàng Anh (Văn Thân, phường 8, quận 6) cho biết, đã ghé nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn không mua được mì tôm cho gia đình.
Nhiều siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hết mì tôm trên kệ hàng
“Không có mì tôm, tôi tìm miến khô để mua nhưng cũng không có. Nhân viên siêu thị cho biết, hàng đã hết 2 ngày nhưng hàng mới vẫn chưa về kịp” – chị Anh nói.
Anh Lê Văn Quân, chủ cửa hàng tạp hoá tại quận 5, TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, cửa hàng đang gặp khó khăn trong việc nhập các loại mì tôm: “Lúc đầu chỉ có mì tôm thiếu hàng, đến nay các loại khác như: cá hộp, miến, phở khô…cũng trong tình trạng thiếu hụt. Lượng nhập về ít, nhỏ giọt, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn” – anh Quân chia sẻ.
Giải thích về tình trạng thiếu hụt mì tôm, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên liệu đầu vào thiếu hụt, trong khi lao động thực hiện “3 tại chỗ” giảm mạnh khiến các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền gặp khó, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
“Bên cạnh đó, tất cả nguồn nguyên vật liệu của ngành chế biến lương thực, thực phẩm đều xuất phát từ các tỉnh đưa về TP bị ách tắc nên thời gian gần đây bắt đầu có tình trạng thiếu mì gói” – bà Chi nói.
Ngoài ra, bà Chi nhấn mạnh, hiện có đến 70% doanh nghiệp của ngành lương thực, thực phẩm đang bán bù lỗ và bán huề vốn. Bởi tất cả nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tại chỗ cho công nhân đều tăng.
“Mặt hàng mì ăn liền không nằm trong danh mục bình ổn giá nhưng các doanh nghiệp đều thống nhất chịu lỗ, chịu huề vốn để góp phần cho thành phố chống dịch. Các doanh nghiệp vẫn kiên trì giữ giá” – bà Chi thông tin.
Từ ngày 5/8, Thông tư 44/2021 của Bộ Tài chính về “khung giá nước sạch sinh hoạt mới” sẽ có hiệu lực. Theo thông tư này, giá bán lẻ nước sạch bình quân do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định phải đảm bảo phù hợp với khung giá nước sạch quy định, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Khung giá nước sạch mới quy định khá cụ thể: Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có mức giá tối thiểu và tối đa từ 3.500 - 18.000 đồng/m3. Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 có mức từ 3.000 - 15.000 đồng/m3. Khu vực nông thôn có mức từ 2.000 - 11.000 đồng/m3.
Sở Xây dựng TP đã ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, giai đoạn 2022 - 2025. Giá nước sinh hoạt bình quân tại TP giữ nguyên đến 2022 là 9.590 đồng/m3; giá dịch vụ thoát nước bình quân là 1.439 đồng/m3. Bắt đầu từ năm 2022, TP sẽ thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải dựa trên giá nước sạch, mức thu sẽ tăng dự kiến là 5%/năm, lộ trình 2022 - 2025.
Đối tượng thu gồm các tổ chức, cơ quan, hộ gia đình có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước. Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tiếp tục thu phí bảo vệ môi trường theo quy định. Và giá nước sạch cũng sẽ tăng trong giai đoạn này với mức năm 2023 là 10.156 đồng/m3, 2024 là 10.775 đồng/m3. Đến năm 2025, giá nước sinh hoạt bình quân sẽ tăng lên thành 11.422 đồng/m3, giá dịch vụ thoát nước bình quân là 3.426 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT).
Tiểu Thúy
Nguồn: Kinh tế Đô thị