(TSVN) – Thời gian gần đây, trên vỉa hè các con đường tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều điểm bán tôm hùm như Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), Trường Chinh (quận Tân Bình)…, giá chỉ 150.000 đồng/kg thu hút nhiều người mua.
Theo ghi nhận, tôm hùm được người bán ngâm trong nước đá, đựng bằng thùng xốp và treo bảng giá “150.000 đồng/kg, loại lớn 250.000 đồng/kg” thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo ghi nhận, những con tôm nhỏ chỉ lớn hơn tôm càng xanh, còn tôm lớn nặng 400 – 600g/con, nhưng tất cả đã chết, hở đầu và được quấn dây thun chằng chịt.
Ngoài ra, loại cua biển siêu rẻ cũng được bày bán nhiều ở các khu du lịch, giá dao động chỉ từ 80.000 – 100.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, tại các cửa hàng hải sản tươi sống, giá thị trường tôm hùm sống khoảng 1 – 1,5 triệu đồng/kg, nếu chết cũng 500.000 – 600.000 đồng/kg.
Một số người mua tôm hùm, cua biển giá rẻ cho biết, đây là loại tôm, cua đã chết, rất ít thịt, thịt không thơm ngon như tôm, cua tươi.
Theo thông tin từ các chuyên gia dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, tôm hùm rất bổ dưỡng nhưng nếu chúng đã chết sẽ chứa nhiều vi khuẩn, độc tố, do đó không nên ăn. Hải sản không được bảo quản đúng cách sẽ bị hư hỏng. Sự hư hỏng có thể đến từ hai nguyên nhân chính: một là sự tự phân huỷ của hải sản do chính hệ enzyme của nó, hai là sự phát triển của các vi sinh vật.
Các vi sinh vật này bao gồm vi sinh vật gây hư hỏng và vi sinh vật gây bệnh, chúng chủ yếu xuất phát từ nội tạng và một phần từ môi trường đánh bắt bám trên bề mặt da. Vi sinh vật gây bệnh chia làm hai nhóm: nhóm sinh độc tố và nhóm gây bệnh. Nhóm vi sinh vật gây độc tố có nhiều loại nhưng rất nguy hiểm là Clostridium Botulinum. Nhóm vi sinh vật gây bệnh gồm nhiều loại, trong đó có Vibrio parahaemolyticus là vi khuẩn gây bệnh tả.
Với cua biển siêu rẻ, theo chuyên gia thủy sản, đây là loại cua óp. Thực ra cua óp cũng là cua biển nhưng ở giai đoạn phát triển ít thịt, ít dinh dưỡng nhất. Con cua ở thời điểm lột xác là lúc có nhiều dinh dưỡng nhất. Vào thời điểm này, cua thịt có nhiều thịt nhất và cua gạch có nhiều trứng nhất (quan sát phần màu vàng ở yếm cua gạch là thấy). Khi cua đẻ xong, lượng dinh dưỡng, thịt, trứng trong cua giảm đi rất nhiều. Khi đó con cua trở nên gầy, chỉ còn lại phần vỏ là chính. Nếu được nuôi tiếp thì sẽ trở thành cua gạch hoặc cua thịt chất lượng, còn đem bán thì sẽ là cua óp, có giá thành chỉ bằng một nửa hoặc rẻ hơn cua gạch và cua thịt thông thường. Tuy nhiên loại thịt cua này cũng không độc hại gì.
An Nhiên