Trà Vinh: Giá cua biển tăng cao, cung không đủ cầu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo ghi nhận tại các vùng nuôi cua biển của tỉnh Trà Vinh, gần 2 tuần nay, giá cua biển thương phẩm, nhất là đối với cua gạch, cua thịt loại 1 đã tăng thêm 10.000 – 30.000 đồng/kg so với đầu tháng 6. Mặc dù, giá cua đang ở mức cao nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu của thị trường.

Số liệu thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện nay, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi cua biển gần 14.480 ha, với lượng con giống hơn 82 triệu con, đạt 63% kế hoạch mùa vụ nuôi cua biển năm 2024. Sản lượng cua biển nuôi đã thu hoạch tính đến hiện tại ước khoảng 2.430 tấn, đạt gần 40 % sản lượng so kế hoạch.

Hầu hết nông dân trong tỉnh nuôi cua biển ở mùa vụ năm 2024 đều có thu nhập cao, nhờ giá cua biển thương phẩm luôn ở mức cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Cùng đó, nuôi cua biển chi phí thấp, ít gặp rủi ro, nông dân nuôi theo phương thức thu hoạch tỉa thưa chọn cua đạt kích lớn để bán nên tăng thêm lợi nhuận. Theo các hộ dân, bình quân, nuôi cua biển trong thời gian từ 4 – 5 tháng cho năng suất từ 0,8 – 1,2 tấn cua thương phẩm/ha/vụ, với giá cua thịt ở mức bình quân 250.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/ha/vụ.

Thông tin từ các chủ đại lý thu mua hải sản tại chợ tỉnh Trà Vinh, từ giữa tháng 5, giá cua biển đã bắt đầu tăng và ổn định cho đến hiện tại. Cụ thể, cua gạch loại 3 con/kg và cua thịt loại 1 con/kg địa lý đang thu mua 450.000 đồng/kg; cua thịt 2 – 3 con/kg mua vào 350.000 đồng/kg; cua thịt loại 3 – 4 con/kg mua vào 250.000 đồng/kg.

Từ đầu tháng 6, lượng cua gạch, cua thịt loại 1 ở các vùng nuôi xã đảo Long Hòa, Hòa Minh, huyện Châu Thành và các xã ven biển Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Tây… thuộc huyện Cầu Ngang rất ít. Nên tuy giá cua thương phẩm ở mức cao, nhưng sản lượng thu mua mỗi ngày của đại lý giảm khoảng 30 – 40% so với tháng 4.  

Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Hải, chủ đại lý thu mua hải sản tại chợ tỉnh Trà Vinh cho biết, nhu cầu tiêu dùng ở các nhà hàng lớn tại các tỉnh, thành phục vụ khách du lịch và thị trường TP Hồ Chí Minh đang tăng mạnh, nhưng lượng cua biển cung không đủ cầu, đặc biệt là cua biển loại 1 và cua gạch.

Còn theo phản ánh của một số hộ nuôi cua biển ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, hiện đang là điểm giữa vụ nuôi cua biển thứ 2 trong năm nên sản lượng cua biển nuôi thu hoạch không nhiều như thời điểm tháng 3 – 4 trước. Lượng cua biển cung ứng cho thị trường chủ yếu là những hộ có diện tích nhiều chuyên nuôi quảng canh kết hợp cua với tôm, cá thu hoạch tỉa thưa và những hộ có nhiều ao để nuôi cua biển rải vụ, nên sản lượng cua biển không nhiều.

Nhiều năm nay ở Trà Vinh, cua được xem là đối tượng thủy sản nuôi chính của người dân trong vùng. Nhiều hộ không có điều kiện để tiếp tục nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bên cạnh đó việc chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi cua. Bà con nông dân thu lại giá trị kinh tế khá ổn định, nhờ cua biển thương phẩm có thị trường tiêu thụ khá rộng, kể cả thị trường xuất khẩu, giá cua thương phẩm luôn ổn định ở mức 200.000 – 300.000 đồng/kg. Riêng dịp lễ, Tết giá có thể lên 300.000 – 350.000 đồng/kg, cua loại 1 lên đến 500.000 đồng/kg.

Đặc biệt, thời gian qua, một số hộ dân tại Trà Vinh đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi mới đó là nuôi cua biển trong hộp nhựa cho thu nhập khá. Điển hình là mô hình của anh Trần Minh Nhật, ấp Cái Đôi, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải. Đầu năm 2022, anh Nhật bắt đầu triển khai mô hình nuôi cua trong hộp nhựa kết hợp với hệ thống lọc nước tuần hoàn chỉ với 50 hộp nhựa. Sau 2 năm vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm và tự mày mò, hiện nay Nhật đã mạnh dạn nhân rộng mô hình với 800 hộp nhựa, đồng thời đầu tư hệ thống lọc thải chuyên nghiệp với chi phí hơn 500 triệu đồng. Đến nay mô hình của anh đã cơ bản ổn định, hàng tháng cung cấp ra thị trường từ 100 – 120 kg cua lột cả trong và ngoài nước. Dự kiến trong thời gian tới, anh Nhật sẽ liên kết với các hộ nông dân để xây dựng nguồn cua nguyên liệu, hình thành chuỗi cung ứng cua biển ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Năm 2024, tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân giữ vững diện tích nuôi cua biển 23.000 ha tổng sản lượng cua biển thu hoạch ước tính khoảng 6.500 tấn, tăng 100 tấn so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, ngành nông nghiệp địa phương đã khuyến khích nông dân ở các vùng ven biển trong tỉnh chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng từ nuôi tôm sú, tôm thẻ bán thâm canh chuyển sang mô hình đa dạng vật nuôi kết hợp, chủ lực là cua. Vì có thị trường ổn định, đảm bảo thu nhập của người dân.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!