Việc khai thác cát ồ ạt làm mất cân bằng sinh thái và ảnh hưởng xấu đến sản xuất sau này.
Sau khi UBND tỉnh Trà Vinh có chủ trương cho phép người dân xã Dân Thành, huyện Duyên Hải được tận thu cát trong cải tạo ao hồ nuôi tôm cung cấp cho công trình san lắp mặt bằng nhà máy Trung tâm Điện lực Duyên Hải, đã gần 3 tháng nay, vùng nuôi tôm ven biển chạy dài gần 7 km thuộc xã Dân Thành đã trở thành bãi công trường. Sau nhiều năm nuôi tôm thua lỗ, nhiều hộ dân nơi đây quyết định tận thu cát đáy vuông tôm để bán trả nợ.
Khai thác tận thu cát đáy ao tôm ở H.Duyên Hải. (Ảnh: TNO)
Ông Võ Quốc Công ở ấp Cồn Ông, người có nhiều năm liền nuôi tôm thua lỗ, gia đình lâm vào cảnh nợ nần nên ông đánh liều bán 2 ha cát trong ao tôm để trả nợ ngân hàng.
“Bây giờ tôi nợ ngân hàng gần 600 triệu, không có tiền trả nợ nên quyết định bán cát đáy ao để giải quyết một phần nợ nần”, ông Công phân trần.
Theo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Duyên Hải, tính đến hết tháng 3 vừa qua, đã có 98 hộ dân trên địa bàn được phép tận thu cát trong cải tạo ao hồ với hơn 1.100 ha. Theo đó, các hộ dân này được UBND huyện cho phép cải tạo ao nuôi và tận thu cát dưới đáy ao để bán nhưng không vượt độ sâu hơn 2m và đảm bảo độ phẳng của đáy ao.
Thế nhưng, trên thực tế số hộ khai thác cát đáy ao tôm lớn hơn nhiều so với số hộ được cấp phép và ngày một lan rộng sang vùng lân cận. Trong khi độ sâu đáy ao thì vô phương kiểm soát vì phần lớn các hộ đều bỏ mặc cho đơn vị khai thác san lấp.
Kỹ sư Nguyễn Thái Hòa, cán bộ nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh phân tích, “Nếu đào ao sâu quá sẽ giải phóng lớp phèn hoặc lớp trầm tích tỏa ra khí độc, làm phân tầng nước vì nhiệt độ ở tầng đáy và tầng nước mặt chênh lệch quá cao, gây thiếu ô xy tầng đáy. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ bị nhiễm phèn nguồn nước, tác động xấu đến hàng nghìn ha đất sản xuất của cả vùng”.
Theo nhiều hộ nuôi tôm chuyên nghiệp ở ĐBSCL, độ sâu nước ao nuôi tôm sú công nghiệp là không quá 1,5 mét. Dù sau mỗi vụ nuôi cần phải cải tạo lại, nhưng độ sâu đáy ao cũng chỉ tăng thêm vài phân vì khả năng bồi lắng trong ao nuôi tôm là rất ít. Tuy nhiên, với với sự thay đổi đột biến của diện tích mặt nước cũng như về độ sâu ao đang diễn ra tại đây, sự tác động đến môi trường nuôi tôm là điều khó tránh khỏi.
Trước thực tế này, rất cần một giải pháp quản lý khoa học, hiệu quả và chặt chẽ từ các cấp, các ngành của tỉnh Trà Vinh nhằm tránh gây ảnh hướng xấu đến môi trường từ việc cho phép những hộ nuôi tôm ở Trà Vinh tận thu cát như hiện nay.