Trà Vinh với công tác phát triển tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Sản lượng tôm nuôi ở tỉnh Trà Vinh giảm mạnh do gặp bất lợi về thời tiết, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm. Vụ nuôi vừa qua có trên 5.500 ha của 8.500 hộ bị thiệt hại với hơn 1 tỷ con tôm giống, chủ yếu ở hai huyện Cầu Ngang, Duyên Hải. Theo đó, vấn đề về chất lượng con giống được quan tâm hơn bao giờ hết.

Canh bạc nuôi tôm

Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT Trà Vinh, năm 2015 toàn tỉnh xuống giống hơn 25.200 ha, chiếm 101% diện tích thả nuôi. Về tôm sú, có gần 23.000 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 21.000 ha, đạt 105% kế hoạch, với số lượng con giống 2,12 tỷ post; sản lượng hơn 9.250 tấn. Tôm thẻ chân trắng, đến tháng 8/2015 có 9.700 hộ thả nuôi, diện tích 4.400 ha, đạt 83% kế hoạch; 2,34 tỷ post, sản lượng hơn 13.000 tấn.

Tôm nuôi bị chết chủ yếu trong giai đoạn 20 – 45 ngày tuổi nên gây thiệt hại nặng. Trong khi đó thị trường xuất khẩu gặp khó khăn khiến giá tôm nguyên liệu ở mức thấp. Nếu so cùng kỳ năm ngoái, giá tôm giảm 20.000 – 40.000 đồng/kg, tùy loại. Theo tính toán, nếu thành công, với mức chi phí và giá cả như hiện nay, người nuôi có thể thu lãi 10 – 15% nhưng vốn đầu tư và rủi ro quá lớn. Theo đó, dù đã qua đợt nuôi chính vụ nhưng vẫn còn hàng nghìn ao nuôi của người dân Trà Vinh tiếp tục bỏ hoang, không dám thả giống.

Ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cầu Ngang – vùng trọng điểm nuôi tôm Trà Vinh chia sẻ, thời tiết năm 2015 rất khó lường, ở đầu vụ nhiệt độ quá thấp nhưng đến khi chuẩn bị thả nuôi thời tiết lại nắng nóng kéo dài. Điều này ảnh hưởng tới môi trường, rồi dịch bệnh phát triển dẫn đến tôm chết hàng loạt.

Trà Vinh vẫn phải nhập TTCT từ các tỉnh khác – Ảnh: VM

Ông Lê Tân Thới, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Trà Vinh cho biết, địa phương mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu thả nuôi tôm sú, còn TTCT phải nhập từ tỉnh khác với giá khá cao, do chi phí vận chuyển, hao hụt… Trong khi đó, chất lượng TTCT giống rất khó kiểm soát. Nhiều cơ sở, thương lái nhập nguồn tôm giống ngoài tỉnh luôn tìm mọi cách né tránh sự kiểm soát của Trạm Kiểm dịch động vật thủy sản.

 

Giải pháp nào?

Để tập trung chỉ đạo thả nuôi thủy sản trên hai đối tượng tôm sú và TTCT đạt kế hoạch, thời điểm hiện nay lịch thời vụ được Sở NN&PTNT Trà Vinh kéo dài đến tháng 11/2015, đồng thời khuyến cáo nông dân tập trung nuôi rải vụ. Riêng đối với các ngành chuyên môn sẽ tăng cường quản lý di nhập giống tôm vào tỉnh, vật tư đầu vào trong thủy sản.

Ông Kim Ngọc Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để hạn chế tôm kém chất lượng, tôm giống nhiễm bệnh đưa vào địa bàn tỉnh Trà Vinh, đề nghị Sở NN&PTNT, Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm dịch giống tôm nuôi, xử lý nghiêm những cơ sở tôm giống không tuân thủ quy định về kiểm dịch. Đặc biệt, Sở NN&PTNT phải xây dựng lịch thả tôm sao cho khoa học, sát thực tế từng vùng, từng địa phương theo hướng bền vững trong điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một khắc nghiệt. Đồng thời, các địa phương vùng tôm nuôi cần có kế hoạch dài hơi, tầm nhìn chiến lược đa dạng các giống cây, con cho vùng đất nuôi trồng thủy sản trước tác động bất lợi của thời tiết.

Một thực tế khác tại Trà Vinh nói riêng và vùng nuôi tôm ĐBSCL nói chung, chất lượng nguồn nước phục vụ nuôi tôm nước lợ đang bị ô nhiễm hữu cơ và một số chất có hại khác tại các khu vực cống điều tiết nước mặn. Việc ô nhiễm này có khả năng gây bệnh cho tôm; bên cạnh giải pháp kỹ thuật thì việc tạo môi trường nuôi an toàn, ổn định cũng hết sức cần thiết. Mặt khác, theo các nhà chuyên môn, để đảm bảo vụ nuôi thành công, cần xây dựng các vùng sản xuất tôm giống đạt chất lượng cao với số lượng lớn để cung cấp cho vùng nuôi tôm nước lợ, nhất là TTCT; thực hiện việc bán tôm giống trực tiếp từ công ty cho người nuôi tôm để đảm bảo nguồn gốc tôm và giá cả có lợi cho người nuôi tôm.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!