Triển khai Đề án 52 tại Thái Bình: Cần một kế hoạch “du kích”

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Tiếp tục thực hiện Đề án 52, Thái Bình tập trung triển khai các hoạt động tới 83 xã của 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy, trong đó ưu tiên thực hiện ở 14 xã trọng điểm.

Tập trung vùng trọng điểm

Đây là 2 huyện nằm trong diện thụ hưởng Đề án 52, được xét vào vùng được đặc biệt coi trọng, bởi Tiền Hải và Thái Thụy là huyện có quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao, cao hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh (13,6%). Nhìn vào tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong năm 2009 của Tiền Hải là 20,2% và Thái Thụy là 13,8% mới thấy, nơi này rất cần các biện pháp tuyên truyền SKSS và KHHGĐ. Hơn thế nữa, theo kết quả kiểm tra thì cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở cấp xã của hai huyện còn yếu và thiếu. Tỉ lệ nạo hút thai, mắc các bệnh đường sinh sản, bệnh lây qua đường tình dục còn cao. Theo thống kê năm 2008, trong số hơn 5.000 trẻ em bị dị tật, dị dạng, thiểu năng trí tuệ của toàn tỉnh có 1.135 em của huyện Tiền Hải, 1.794 em của huyện Thái Thụy. Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trong toàn tỉnh là 19,6%, huyện Tiền Hải bằng 20,1% và huyện Thái Thụy là 20%.

Do đặc thù lao động nghề biển, người dân có tâm lý thích sinh đông con, nhất là con trai để có người đi biển, có thêm nhân lực làm kinh tế gia đình… các xã ven biển Thái Bình cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, kiến thức về chăm sóc SKSS, phòng tránh viêm nhiễm, phòng ngừa các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ sơ sinh… của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải có số bà con theo đạo Thiên Chúa khá đông. Do đặc thù tín ngưỡng và giáo lý nên công tác tuyên  truyền dân số ở những vùng quê này gặp không ít rào cản không thể khắc phục một sớm một chiều…

Cần một chiến lược cụ thể để người dân hiểu hơn về Đề án 52

 

Thực hiện từng bước

Xuất phát từ những đặc điểm ấy, khi Đề án 52 về đến Thái Bình, các cấp chính quyền cùng Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình nhanh chóng bắt tay vào công việc. Từ cuối tháng 11/2009 đến tháng 3/2010, cùng với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Trung tâm DS-KHHGĐ của 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy đã tổ chức nhiều đợt truyền thông lưu động với băng-rôn, khẩu hiệu, cấp phát tờ rơi, kẻ vẽ biển tường, kết hợp với tuyên truyền trên sóng phát thanh để tuyên truyền những kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả trong việc vận động về kiểm soát dân số, chuyển đổi hành vi cho đối tượng đặc thù vùng biển và ven biển. Chiến dịch được phát động về đến tận các xã, khiến cho những ngày đầu, những người dân như sống trong lễ hội.

Với phương thức thực hiện Đề án 52, bà Nguyễn Thị Huê – Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình nhận định rằng: Xác định được những khó khăn cần khắc phục cho đội ngũ tuyên truyền viên khi thực hiện công tác truyền thông dân số tới vùng biển, ven biển, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Bởi tuyên truyền KHHGĐ cho người dân vùng đất liền khó một thì tuyên truyền cho bà con đi biển khó mười. Đặc thù của dân biển là thế, họ chỉ nghỉ ở nhà vào những ngày mưa bão. Chính những ngày đó, cán bộ, CTV dân số lại phải lặn lội đến tuyên truyền, phổ biến cho bà con. Gặp họ đã khó, nói chuyện cho họ hiểu và thực hiện còn khó gấp bội phần. Nhưng càng khó khăn bao nhiêu thì càng đòi hỏi sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm bền bỉ của đội ngũ làm dân số bấy nhiêu.

Theo bà Huê, ngoài việc duy trì, thực hiện một số mô hình, dự án, đặc biệt là chiến dịch tăng cường chăm sóc SKSS/KHHGĐ tới các xã trọng điểm của hai huyện, Chi cục DS-KHHGĐ còn tiến hành hàng loạt các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông. Tuy nhiên, không phải mọi sự đều diễn ra thuận lợi khi thực hiện Đề án. Bởi nghề biển mang lại cho ngư dân nguồn thu nhập khá cao, nên có những gia đình cả bố mẹ, con cái đều đi biển hàng tuần, ít có điều kiện ở đất liền, vì vậy, hầu như họ không được tiếp cận các thông tin truyền thông về chính sách kinh tế, xã hội, chính sách DS-KHHGĐ.

Xét về lâu dài, đầu tư cho Đề án 52 chính là giảm mức sinh, giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ, tử vong trẻ sơ sinh, hạn chế tình trạng nạo phá thai không an toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng biển. Đây là một động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định ưu thế kinh tế biển của địa phương, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng vùng biển. Vì vậy, luôn cần có một chiến lược bền bỉ giúp người dân hiểu và nhận thức đúng trong lĩnh vực chăm sóc SKSS và KHHGĐ.

>> Đề án 52 được triển khai tại Thái Bình từ tháng 9/2009 với các hoạt động chính: Thực hiện Chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ cho các xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, xã khó khăn; thông tin tư vấn cho người dân, triển khai mô hình cung cấp thông tin cho vị thành niên về ngăn ngừa viêm nhiễm, có thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn. Triển khai mô hình sàng lọc sơ sinh, mô hình đáp ứng nhu cầu CSSKBMTE và KHHGĐ; mô hình nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại những xã vùng biển, ven biển; mô hình tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về dân số sức khỏe sinh sản và KHHGĐ; mô hình xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý chuyên ngành.

Sau 2 năm thực hiện Đề án 52 triển khai tại Thái Bình, đã khám cho 10.526 chị em vùng biển, điều trị phụ khoa cho 5.801 người, vận động 18 ca đình sản, 1.432 ca đặt dụng cụ tử cung, 131 ca tiêm thuốc tránh thai, 750 ca uống thuốc tránh thai, 740 ca sử dụng bao cao su…

 

Gia Bảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!