(TSVN) – Ngày 19/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, mục tiêu cung cấp khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ và phát triển ngành này.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ngân hàng Nhà nước “nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản”; việc triển khai Chương trình tín dụng này nhằm tạo động lực mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp thủy sản phục hồi và thúc đẩy triển vọng xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm 2023.
Theo đó, đối tượng vay vốn của Chương trình là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1% – 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ với thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024.
Quy mô tín dụng của Chương trình khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia Chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Đến nay đã có 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội.
Quy mô tín dụng của Chương trình khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng). Ảnh: ST
Theo Ngân hàng Nhà nước, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, việc triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trước đây chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì hiện nay có khoảng 70 ngân hàng thương mại, hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tham gia cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mô hình ngân hàng lưu động của Agribank và các điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH đặt tại hầu hết các xã, thôn, bản của 63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ tài chính và cung cấp dịch vụ ngân hàng tới đại đa số người dân trên phạm vi cả nước, kể cả người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Tính đến đầu quý III/2023 lĩnh vực thủy sản nói riêng và nông nghiệp nông thôn nói chung vẫn là một trong những lĩnh vực được hệ thống tổ chức tín dụng ưu đãi nhiều nhất và dư nợ cho vay tăng trưởng đáng kể. Chỉ tính riêng hệ thống Agribank đang triển khai gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD (hỗ trợ giảm 1 – 1,5% lãi suất) cho vay lĩnh vực nông, lâm, thủy, hải sản. Tại các địa phương nuôi trồng, chế biến thủy sản chủ lực như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang trong nửa đầu năm 2023 dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản của Agribank đang chiếm tỷ trọng khá lớn, đạt con số từ 10.000 – 15.500 tỷ đồng/mỗi tỉnh, thành phố.
>> Đến đầu tháng 5, dư nợ lĩnh vực thủy sản của Agribank là 59.000 tỷ đồng, chiếm 5% tổng dư nợ nền kinh tế; dư nợ cho vay lâm sản và thủy sản của BIDV đạt 88.000 tỷ đồng, còn Vietcombank là 155.000 tỷ đồng.
Ngọc Anh