(TSVN) – Sau gần 3 tháng nghỉ đông để tu sửa tàu thuyền, ngư lưới cụ; ngư dân hành nghề câu mực khơi ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn( Quảng Ngãi) đã và đang sẵn sàng trở lại ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để hành trình vươn khơi bám biển với tâm thế phấn khởi kỳ vọng vào mùa biển mới.
Tàu thuyền là nhà, biển đảo là quê hương
Những ngày này về làng chài thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đang chuẩn bị thúng, mủng, ngư cụ, lương thực thực phẩm để ra khơi khai thác hải sản xa bờ. Những ngày qua, cùng với việc vui xuân, các chủ tàu ở xã cũng đã gặp gỡ anh em bạn chài, chọn ngày tốt để ra khơi bước vào chuyến khai thác hải sản đầu tiên của năm 2025.
Ngư dân Nguyễn Thành Trung, thuyền viên tàu cá QNg-95073TS, hành nghề câu mực khơi ở thôn Mỹ Tân xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn bộc bạch: Trong những ngày qua, cùng với việc vui xuân đón tết, ngư dân ở làng chài tranh thủ kiểm tra lại dụng cụ như rường, thúng, đèn nháy v.v. để chuẩn bị cho chuyến biển đầu tiên. Sau mấy tháng nghỉ đông, không chỉ riêng anh, mà tất cả ngư dân hành nghề câu mực khơi ở xã, ai cũng nhớ biển, nhớ Trường Sa, Hoàng Sa. Mỗi năm lênh đênh ở Trường Sa, Hoàng Sa hơn 9 tháng , những con tàu đã trở thành ngôi nhà trên sóng nước và biển đảo luôn là quê hương của ngư dân câu mực khơi.
Tàu của ngư dân Bình Chánh, huyện Bình Sơn chuẩn bị vươn khơi trở lại Trường Sa, Hoàng Sa
Anh Trung đã có gần 30 năm theo nghề biển nhưng chuyến ra khơi đầu tiên hằng năm lúc nào cũng làm anh bâng khuâng, luôn nghĩ về biển đảo và kỳ vọng vào chuyến biển đầu năm. Theo anh chuyến biển đầu tiên tốn rất nhiều chi phí vì đa phần phương tiện hành nghề phải sắm mới và mua nhiều loại lương thực, thực phẩm mang theo xuống tàu mà đầu năm thì giá cả lúc nào cũng tăng cao. Chi phí cho chuyến đầu tiên của mỗi lao động khoảng trên 50 triệu đồng vì vậy phải câu đạt từ 8 tạ đến 1 tấn mực mới mới có dư trang trải cho gia đình. Chuyến ra khơi đầu tiên cũng là chuyến đầy hứa hẹn bởi thời tiết thuận lợi, mực nhiều. Những chuyến biển giữa năm và cuối năm thường hay gặp áp thấp nhiệt đới, mưa bão nên mực ít và câu không đạt bằng chuyến biển đầu tiên.
Kỳ vọng vào mùa biển mới
Năm nào cũng vậy, hầu hết tàu câu mực ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn cứ ăn Tết Nguyên Đán xong, qua rằm tháng Giêng là ra khơi khai thác hải sản. Trong khoảng thời gian này, các tàu thuyền, họp anh em bạn chài, động viên bám biển và chọn ngày tốt để vươn khơi, bước vào chuyến biển đầu tiên của năm. Ngư dân Nguyễn Năng ở thôn Mỹ Tân cho biết: Mấy năm trước khoảng qua rằm tháng giêng tàu xuất bến nhưng năm nay thì có thể kéo dài qua 25 âm lịch vì thời tiết còn không khí lạnh. Anh cho biết, năm 2024 anh ra khơi 3 chuyến, câu được hơn 2 tấn mực khô; trong đó chuyến biển đầu tiên năm 2024, anh câu được hơn 1,3 tấn mực khô, sau 3 tháng vươn khơi. Chuyến đó, mực được mùa nhưng giá bán lại giảm 10% so với năm trước. Vì vậy, anh hy vọng mùa biển năm nay mực sẽ được mùa, được giá…
Các thuyền thúng của ngư dân vận chuyển ra tàu để vươn khơi
Anh Võ Minh Hiền, chủ tàu QNg 85221 hành nghề câu mực khơi ở xã Bình Chánh cho biết: Chuyến biển đầu tiên không chỉ có bạn chài mua sắm nhiều tổn phí mà hơn 100 chủ tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở xã cũng có chung tâm trạng như vậy. Bởi mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài từ 2 tháng đến 3 tháng mới vào bờ một lần, cho nên tàu nào cũng phải trang bị nhiều nhiên liệu, lương thực, thực phẩm với tổng chi phí gần 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể những khoản tiền tu sửa tàu thuyền, máy móc chuẩn bị trước khi ra khơi. Bên cạnh đó 42 bạn chài trên tàu, mỗi người phải trang bị từ 40 đến 50 triệu đồng để mua các loại thức ăn nước uống bồi dưỡng riêng. Vì vậy chuyến ra khơi đầu tiên này, mỗi bạn chài phải khai thác trên 8 tạ mực khô, thì mới có dư giả. Và ngư dân nào cũng kỳ vọng chuyến biển đầu tiên này sẽ thắng lợi.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết: Xã Bình Chánh hiện có 165 chiếc tàu thuyền với tổng công suất suất gần 96.000 CV hoạt động đánh bắt hải sản. Trong đó có 125 tàu có công suất từ 400CV đến 1.400 CV chuyên hành nghề câu mực xa bờ ở các ngư trường Hoàng sa, Trường Sa. Năm 2024 ngư dân địa phương, khai thác trên 4.000 tấn hải sản các loại; trong đó sản lượng mực khô chiếm hơn 95%. Tổng giá trị ước đạt khoảng trên 550 tỷ đồng/năm. Qua một năm đánh bắt, các chủ tàu có thu nhập từ 1 – 2 tỷ đồng, anh em bạn chài thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng.
Những chuyến thuyền thúng của ngư dân Bình Chánh, huyện Bình Sơn chuẩn bị theo tàu vươn khơi
Chính vì thu nhập cao nên nghề câu mực khơi ở xã không chỉ thu hút ngư dân trong xã mà còn có rất nhiều ngư dân ở các xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Dương đến hành nghề. Mùa biển năm 2025 này, ngư dân trong xã đã chuẩn bị đầy đủ ngư lưới cụ, chờ trời yên biển lặng là các tàu thuyền vươn khơi bám biển vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương. Năm 2025 này, ngư dân trong xã phấn đấu khai thác từ 4.500 – 5.000 tấn hải sản các loại.
Với khí thế chuyến biển đầu năm, những con tàu đánh bắt xa bờ ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn đang chờ đợi ngày tốt để vượt sóng ra khơi với niềm tin thắng lợi, cá mực đầy khoang. Sự hiện diện của hàng nghìn chiếc thúng, hàng trăm con tàu ở Trường Sa, Hoàng Sa mang lại ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với họ, con tàu và Trường Sa, Hoàng Sa trở thành ngôi nhà, quê hương thứ hai.
Nguyên Hương