(TSVN) – Mở rộng diện tích vùng trồng rong góp phần bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp giảm phát thải của ngành thủy sản. Rong biển không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn được xem là nguyên liệu xanh, có thể hấp thụ carbon từ khí quyển và trung hòa axit đại dương, đang được kỳ vọng trở thành giải pháp hiệu quả giúp làm sạch hành tinh.
Mới đây, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, chi phí đầu tư để nuôi rong biển rất thấp nhưng lại là ngành hàng có giá trị kinh tế cao và có lợi cho môi trường. “Trồng rong phải dụng công chăm sóc, nhưng đem lại ích lợi đa chiều, giúp hấp thu khí carbon dưới biển. Có giống rong hấp thu khí CO2 gấp 20 lần. Tuy nhiên, chúng ta đang đi chậm, nếu nhìn sang các nước xung quanh, điển hình như Indonesia, đã có những doanh nghiệp nhanh chân hơn đang đầu tư vào ngành nuôi rong và chế biến rong. Tương lai ngành rong sẽ phát triển rất mạnh”. Cục trưởng nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh “Tương lai ngành rong sẽ phát triển rất mạnh”
Thống kê trên thế giới, sản lượng rong biển giai đoạn 2015 – 2020 đã tăng nhanh, đạt trên 35 triệu tấn. Trong đó, rong biển nuôi trồng chiếm tỉ trọng lớn nhất tại Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines,…Hơn 200 loài rong có thể sản xuất thương mại, với 27 loài chính mang lại giá trị thương mại khoảng 8,3 tỷ USD mỗi năm. Tại Việt Nam, hiện ngành hàng rong biển phát triển tập trung ở vùng Bắc Trung bộ và Nam Trung Bộ, so với tiềm năng và lợi thế hơn 800 loài rong biển tự nhiên, 88 loài kinh tế, thì con số này vẫn còn khiêm tốn khi mới chỉ có 3 nhóm chính được trồng là rong sụn, rong câu và rong nho. Diện tích có tiềm năng trồng rong biển của cả nước khoảng 900.000 ha. Năm 2023, diện tích trồng rong biển khoảng 16.500 ha, sản lượng khoảng 150.000 tấn, tập trung ở một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang…
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, khu vực biển miền Trung có số lượng loài rong biển phân bố nhiều nhất với 310 loài; tiếp đến là khu vực biển miền Nam với 221 loài; vùng biển thuộc Vịnh Bắc Bộ đã xác định được 218 loài rong biển tự nhiên. Các đảo tiền tiêu khu vực biển miền Trung có thành phần loài rong biển đa dạng hơn so với khu vực miền Bắc và miền Nam. Cụ thể, thành phần loài đa dạng nhất ghi nhận tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) với 143 loài, tiếp đến tại Phú Quý (Bình Thuận) 136 loài, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) 112 loài, 3 đảo gồm: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nam Du (Kiên Giang) cùng ghi nhận được 96 loài, Trường Sa lớn ghi nhận 81 loài, Cô Tô (Quảng Ninh) ghi nhận 79 loài và Vĩnh Thực ghi nhận 70 loài.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025, sản lượng rong biển đạt 180.000 tấn; đến năm 2030 đạt 500.000 tấn. Trong đó, định hướng phát triển gần bờ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình phát biển sản xuất rong nho, rong sụn, rong câu chỉ vàng; vùng xa bờ có nhiều phương thức phát triển hơn, rong biển có thể nuôi đơn hoặc nuôi kết hợp với tôm, cá, nhuyễn thể có giá trị cao.
Rong sụn được trồng tại đảo Phất Cờ, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Bên cạnh những lợi thế về nuôi rong biển thì tại nước ta, ngành này cũng đang đối diện với không ít thách thức như chất lượng giống còn hạn chế, cạnh tranh diện tích, thông tin về quy chuẩn tiêu chuẩn, ứng dụng khoa học công nghệ, thị trường và lợi nhuận. Do vậy, để nuôi trồng rong biển phát triển ổn định, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, thời gian tới cần phải nghiên cứu, chọn tạo các giống rong chất lượng, phục vụ cho những mục đích khác nhau. Cũng theo ông Luân, rong biển là ngành hàng đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng, do quy mô thị trường thương mại toàn cầu dự kiến sẽ được mở rộng với tốc độ khoảng 10,8%/ năm.
“Chúng ta có diện tích mặt biển lớn, nhiều giống rong chất lượng là điều kiện thuận lợi để mở rộng và phát triển vùng trồng rong, tảo biển. Do đó, mục tiêu phát triển vùng trồng rong lên đến 900.000 ha hoàn toàn khả thi. Có những khu vực phải tính toán đến việc chỉ trồng rong và khai thác rong, nhưng rất nhiều khu vực khác, trồng rong có thể kết hợp đa dạng với các đối tượng nuôi khác để phát huy giá trị cao hơn.” Cục trưởng Luân gợi mở.
Nhắc đến mục tiêu xa hơn, khi nuôi trồng rong biển hướng đến bán tín chỉ Carbon, ông Luân cho hay, việc bán tín chỉ carbon từ các trang trại nuôi trồng rong của một số doanh nghiệp và các nước trên thế giới đã đề cập tới. Khi diện tích trồng rong phát triển tới một mức độ nhất định, chúng ta sẽ phải tính đến phương án đồng hành với các tổ chức quốc tế để tính toán việc bán tín chỉ từ việc trồng rong.
“Đây là một việc làm rất khả thi. Khi đặt vấn đề với các tổ chức quốc tế, họ thấy rằng việc làm này là cần thiết và có thể làm được, họ cũng mong muốn thực hiện điều này để giúp cho người dân có cuộc sống tốt hơn và đặc biệt phát triển mạnh mô hình trồng rong để bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học”. Cục trưởng chia sẻ thêm.
Thùy Khánh