Trung Quốc: Đẩy mạnh nuôi cá tuyết Thái Bình Dương

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bước đột phá trong công nghệ sinh sản giúp Trung Quốc tiến gần hơn đến vị thế “ông lớn” trên thị trường cá tuyết toàn cầu, hướng đến giảm phụ thuộc nhập khẩu và bảo vệ nguồn cá hoang dã.

Giá cá tuyết toàn cầu đang tăng mạnh, thúc đẩy Trung Quốc đẩy nhanh nuôi thương mại cá tuyết Thái Bình Dương (Gadus macrocephalus). Đây là giải pháp thay thế quan trọng khi nguồn cá tuyết Đại Tây Dương ngày càng suy giảm, đồng thời góp phần đa dạng hóa ngành thủy sản lớn của nước này.

Trước đó, các nhà khoa học Trung Quốc đã làm chủ toàn bộ chu trình sinh học của cá tuyết Thái Bình Dương trong điều kiện nhân tạo. Theo công bố tại Triển lãm thủy sản Châu Á – Thái Bình Dương ở Đại Liên (27-29/5/2025), nhóm nghiên cứu đã thành công kiểm soát mọi giai đoạn từ sản xuất trứng thụ tinh, nuôi cá con đến phát triển cá thương phẩm. Công nghệ này hiện đã sẵn sàng thương mại hóa.

“Hoàn thiện chu trình sinh học là bước then chốt, loại bỏ rào cản lớn trong xây dựng nghề nuôi cá tuyết Thái Bình Dương bền vững tại Trung Quốc,” Giáo sư Tăng Chí Cường, Đại học Đại Liên, khẳng định tại triển lãm.

Việc thúc đẩy nuôi cá tuyết Thái Bình Dương đang trở nên cấp thiết trong bối cảnh thị trường cá toàn cầu biến động mạnh, thể hiện qua ba xu hướng chính:

  • Giá tăng kỷ lục: Cá tuyết Đại Tây Dương, đặc biệt là fillet cỡ lớn, đã đạt mức giá chưa từng có, vượt ngưỡng 7,5 euro/kg.
  • Nguồn cung sụt giảm: Sản lượng khai thác cá tự nhiên ngày càng hạn chế do hạn ngạch đánh bắt nghiêm ngặt tại các khu vực chủ chốt như Na Uy, Nga và Iceland, tác động của biến đổi khí hậu, cùng với tình hình địa chính trị căng thẳng.
  • Nhu cầu không ngừng tăng: Cá tuyết vẫn là loại cá trắng được ưa chuộng hàng đầu, đặc biệt tại các thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc.

Cá tuyết Thái Bình Dương có nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Thịt cá có hương vị và kết cấu tương tự cá tuyết Đại Tây Dương, dễ dàng chinh phục thị trường. Là loài ưa lạnh, cá thích hợp với mô hình nuôi lồng bè ở các vùng ven biển phía Bắc Trung Quốc và có thể đạt trọng lượng thương phẩm khoảng 1,5 kg sau 2 năm nuôi dưỡng tối ưu.

Việc phát triển nuôi thương phẩm cá tuyết Thái Bình Dương mang ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc. Đây là giải pháp giảm phụ thuộc vào nguồn cá tuyết Đại Tây Dương nhập khẩu, đồng thời bổ sung một loài cá vùng lạnh vào cơ cấu nuôi chủ lực vốn thiên về các loài nước ấm như rô phi, cá chép, tôm. Sản xuất quy mô lớn không chỉ nâng cao vị thế xuất khẩu của Trung Quốc trên thị trường cá tuyết toàn cầu mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi tự nhiên.

Dù phải vài năm nữa “cá tuyết lồng Trung Quốc” mới phổ biến trên thị trường, nhưng những đột phá tại Đại Liên đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng. Trung Quốc không chỉ ứng phó với thách thức của thị trường cá tuyết toàn cầu mà còn chủ động định hình tương lai ngành này.

Đan Linh

Theo Fisnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!