Thuế trả đũa 25% của Trung Quốc đã tác động mạnh lên nhập khẩu thủy sản từ Mỹ với trị giá lên đến 340 triệu USD từ khi bắt đầu có hiệu lực. Chỉ sau 1 năm, nhập khẩu thủy sản từ Mỹ đã giảm 36%.
Tôm hùm lao dốc
Nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm từ 1,3 tỷ USD trong 12 tháng trước khi bị áp thuế (1/7/2017- 30/6/2018) xuống 969 triệu USD trong 12 tháng sau đó (1/7/2018 – 30/6/2019), theo Hải quan Trung Quốc. Con số chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng thủy sản Mỹ đã suy yếu hơn sau khi bị áp thuế, trong khi đó sản lượng khai thác thủy sản của Mỹ cũng sụt giảm mạnh. Nhập khẩu tôm hùm tươi sống từ Mỹ sụt giảm mạnh nhất, từ 176 triệu USD xuống 25 triệu USD, tương ứng 86%.
Tuần trước, tờ Tân Hoa Xã đăng bài gây chú ý về sự khốn khó của Vince Mortillaro – một chủ buôn tôm hùm ở Gloucester, Massachusetts khi xuất khẩu giảm 500.000 pound suốt 6 tháng đầu năm nay. Tỷ lệ này chỉ chiếm 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 5 tỷ USD thường niên của Vince Mortillaro và khiến ông mất đi khoảng 6 triệu USD, theo Tân Hoa Xã. Hiện, Vince Mortillaro đã cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất. Ông chia sẻ, tôi thuê nhân công làm việc 60 giờ/tuần, nhưng hiện họ chỉ làm 35 – 40 giờ/tuần. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng số lượng tôm hùm Mỹ đang vận chuyển sang Canada sẽ được đưa tới Trung Quốc dưới nhãn tôm hùm Canada. Thực tế, nhập khẩu tôm hùm của Trung Quóc từ Canada cũng đang tăng.
Nhập khẩu cua của Trung Quốc từ Mỹ, chủ yếu là cua tươi sống phục vụ nhà hàng hạng sang ở Bắc Kinh và Thượng Hải cũng giảm rất mạnh. Trong 12 tháng trước khi bị áp thuế, Trung Quốc nhập khẩu 122 triệu USD cua tươi sống từ Mỹ; nhưng 12 tháng sau khi bị áp thuế, nhập khẩu mặt hàng này giảm xuống 60 triệu USD, tương ứng 49%. Trong khi đó, nhập khẩu nhuyễn thể tươi sống từ Mỹ giảm 27% so với cùng kỳ, còn 65 triệu USD. Về khối lượng, nhập khẩu tôm hùm , cua và nhuyễn thể tươi sống giảm lần lượt 84%; 40% và 27%, còn lần lượt 1.420 tấn; 3.787 tấn và 1.930 tấn.
Thủy sản miễn thuế cũng lao đao
Nhập khẩu một số mặt hàng thủy sản miễn thuế nhằm phục vụ chế biến tại Trung Quốc để tái xuất cũng giảm rất mạnh. Cá hồi đông lạnh nguyên con Pacific khai thác tại Alaska là một trong số những sản phẩm này. Trong 12 tháng từ đầu tháng 7, Trung Quốc đã nhập khẩu 136 triệu USD cá hồi Pacific từ Mỹ, giảm 56% giá trị và 62% lượng, còn 38.9265 tấn.
Nhập khẩu cá hồi Pacfic (chủ yếu cá hồi pink, chum) được chế biến fillet tại các nhà máy của Trung Quốc sau đó tái xuất ra thị trường toàn cầu cũng giảm mạnh. Ngoài ra, nhập khẩu cá tuyết cod nguyên con để chế biến thành fillet cũng giảm 24.261 tấn, trị giá 91 triệu USD, giảm 37% lượng và giá trị. Cửa vào thị trường Trung Quốc khó khăn hơn, thủy sản Mỹ đang dần chuyển hướng sang Nga, Ecuador và Canada.
Cuộc chiến thương mại tiếp tục căng thẳng
Mới đây, Trung Quốc tuyên bố ngừng thu mua nông sản Mỹ nhằm đáp trả quyết định của Washington về việc áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9. Không những vậy, Ủy ban thuế quan Hội đồng nhà nước Trung Quốc đang xem xét khả năng tăng thuế nhập khẩu nông sản của Mỹ với các giao dịch đã được ký kết mua sau ngày 3/8.
Những bước leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chỉ gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân, công nhân và người tiêu dùng Mỹ, đồng thời có thể làm suy yếu nền kinh tế Mỹ vì Trung Quốc là đối tác thu mua nông sản lớn thứ 4 của Mỹ. Về phía Trung Quốc, những diễn biến mới nhất của cuộc chiến thương mại cũng làm rối loạn dòng chảy thương mại hàng hóa vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến sự căng thẳng và đầy bất ổn về nguồn cung thủy, hải sản trong một khoảng thời gian nhất định.