(TSVN) – Sau lệnh cấm mở rộng của Mỹ dành cho các sản phẩm cá thịt trắng của Nga và có nguồn gốc từ Nga, các nhà chế biến Trung Quốc đang chuyển hướng tập trung sang châu Âu làm thị trường xuất khẩu mục tiêu.
Nhà máy sản xuất cá thịt trắng của Dalian Haiqing. Nguồn: Dalian Haiqing facebook
Lệnh cấm mở rộng của Mỹ ban hành ngày 22/12/2023 đã “khóa trái” cánh cửa nhập khẩu cá hồi, cá tuyết, cua, cá minh thái của Nga, thậm chí cả những sản phẩm từ quốc gia thứ ba sử dụng thủy sản Nga làm nguyên liệu chế biến. Điều này đã giáng một đòn chí mạng vào Trung Quốc – đất nước lâu nay phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Nga. Cũng chính từ đây, Trung Quốc đã quyết định chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. “Trận chiến giành giật thị phần tại EU chắc hẳn sẽ vô cùng cam go” – một nguồn tin cho biết.
Đồng quan điểm, lãnh đạo công ty chế biến Dalian cho rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào thị trường châu Âu; điều này đồng nghĩa họ sẽ phải đối mặt thuế nhập khẩu cao và sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty của Mỹ.
Ngành chế biến thủy sản Trung Quốc đang có sự tham gia của hàng chục nghìn công nhân, đặc biệt ở tỉnh Sơn Đông và Liêu Ninh. Chi phí nhân công ngày một tăng, thậm chí cao hơn Việt Nam và Ấn Độ, khiến Trung Quốc đang mất dần lợi thế cạnh tranh. Mùa thu năm trước, một vài nhà máy chế biến tại Trung Quốc được nhận định là sử dụng nhân công cưỡng bức từ Uyghur; mà luật pháp nước Mỹ không cho phép nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc như vậy. Do đó, khó khăn này chồng chất áp lực khác, khiến thương mại của Trung Quốc chịu khá nhiều thách thức trong năm mới. “Một ngành có giá trị lớn như thủy sản Trung Quốc không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Rất nhiều doanh nghiệp không có sự chuẩn bị trước. Quá nhiều kế sinh nhai đang phụ thuộc vào ngành này. Thật khó để nói có bao nhiêu cơ hội nằm ở phía trước”, lãnh đạo của Dalian phát biểu.
Theo cổng thông tin thương mại của Undercurrentnews, Trung Quốc xuất khẩu 47.703 tấn phi lê cá tuyết đông lạnh sang châu Âu và Anh trong năm 2022, chiếm 46%. Xuất khẩu sang Mỹ cao nhất với 26.843 tấn, chiếm 26%.
Đối với cá minh thái, Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu và Anh 125.697 tấn phi lê đông lạnh, chiếm 60%; sang Mỹ 11.087 tấn, chiếm 5%.
Về phi lê cá hồi Thái Bình Dương, 20.718 tấn được xuất sang châu Âu và Anh, chiếm 29%; 27.810 tấn sang Mỹ, chiếm 39%.
Một số người nhìn thấy cơ hội mở rộng thị trường cá thịt trắng nội địa; tuy nhiên, cần phổ biến thông tin để giúp người tiêu dùng Trung Quốc phân biệt được các loài khai thác tự nhiên như cá minh thái và cá tuyết. Trong đó cá tuyết được nhắm vào người có thu nhập cao, còn cá minh thái thuộc phân khúc bình dân. Ngoài ra, để giành được thị phần tại châu Âu, các nhà chế biến Trung Quốc cần điều chỉnh và làm mới các hoạt động của mình để tạo ấn tượng tốt với thị trường khó tính này.
An Vy
(Theo Undercurrentnews)