T6, 11/12/2020 01:54

Trung Quốc tăng kiểm soát, thủy sản Việt lo tắc

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đang vào mùa xuất khẩu, thế nhưng, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lại vô cùng lo lắng với thị trường lớn Trung Quốc khi nước này tăng cường các biện pháp kiểm soát thủy sản đông lạnh nhập khẩu do lo ngại Covid-19.

Xuất khẩu khó khăn

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước sang Trung Quốc tháng 11 tăng 19% sau khi tăng 27% và 16% trong tháng 9 và tháng 10. Lũy kế giá trị xuất khẩu sang thị trường này 11 tháng năm 2020 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 3,4% và cả năm 2020 ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng gần 5%. Tuy nhiên, Trung Quốc đang kiểm soát chặt nhập khẩu thủy hải sản do lo sợ lây nhiễm Covid-19.

Cụ thể, Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cũng đang đề nghị bổ sung nội dung chứng nhận áp dụng hiệu quả biện pháp phòng chống Covid-19 cũng như kiểm tra trực tuyến điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống Covid-19 của một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc. 

Chưa kể, thời gian qua, Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cũng đã cảnh báo một số lô hàng tôm đông lạnh của Việt Nam nhiễm bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu và một số chỉ tiêu an toàn thực phẩm. 

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, mặc dù nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang tăng cao, tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể xuất hàng vào do nước này áp dụng việc kiểm tra từng container, phun khử trùng, đưa vào kho lấy mẫu khiến quá trình thông quan diễn ra lâu hơn so với bình thường, ùn ứ kéo dài; điều này cũng khiến cho chi phí xuất khẩu phát sinh lớn.

Tích cực phối hợp

Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản số 8471/BNN-QLCL về sự việc này. Cụ thể, Bộ NN&PTNT yêu cầu các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc nghiêm túc thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống Covid-19 của Chính phủ, Bộ Y tế; hướng dẫn của FAO, WHO theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT; lưu trữ đầy đủ hồ sơ, bằng chứng về kết quả thực hiện và sẵn sàng cung cấp cho Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc trong trường hợp được đề nghị kiểm tra trực tuyến. 

Cùng đó, chủ động liên hệ với khách hàng/nhà nhập khẩu Trung Quốc để chuẩn bị, cung cấp kết quả thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 tại doanh nghiệp, kể cả kết quả thẩm tra lấy mẫu xác suất xét nghiệm Covid-19 đối với mẫu bao bì, sản phẩm trước khi xuất khẩu khi được yêu cầu. Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh/thành phố cung cấp xác nhận tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn và hiệu quả các biện pháp phòng chống Covid-19 mà doanh nghiệp đã triển khai.

Đồng thời, rà soát chương trình quản lý chất lượng, thiết lập, thực hiện các biện pháp phù hợp để kiểm soát hiệu quả mối nguy an toàn thực phẩm và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, riêng đối với các chỉ tiêu dịch bệnh trên tôm, cần thu thập thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh trên tôm tại các vùng thu hoạch ở địa phương, để nhận diện và có biện pháp kiểm soát dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.

Theo ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), hiện Nafiqad đang tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc về việc chứng nhận liên quan đến Covid-19 đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu sang nước này và đề nghị phía Trung Quốc giảm thiểu việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam có các bằng chứng, hồ sơ xác nhận/chứng nhận hiệu quả các biện pháp phòng chống Covid-19 của cquan y tế có thẩm quyền Việt Nam.

>> Trước khó khăn trong xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT theo dõi diễn biến, nghiên cứu và xử lý thông tin về việc xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định trong xuất nhập khẩu.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!