Thời gian qua, tưởng chừng như hạn hán chỉ gây thiệt hại cho các loại cây trồng, thì những ngày qua đàn cá giống của Trung tâm Giống thủy sản đứng chân trên địa bàn xã Bình Giáo, huyện Chư Prông cũng đang đối mặt với tình trạng khô kiệt nguồn nước dẫn vào các hồ cho cá sinh sản. Nguy cơ thiếu nước cho cá sinh sống và nuôi cá giống đang trở thành nỗi lo lớn nhất hiện nay.
Nguy cơ… trơ đáy ao!
Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai đi vào hoạt động từ tháng 5/2012 với nhiệm vụ sản xuất và cung ứng cá con giống và cá thương phẩm ra thị trường trong tỉnh. Điều này không chỉ giúp người dân phát triển nuôi trồng thủy sản mà còn đáp ứng nhu cầu thực phẩm hàng ngày cho mọi người.
Ảnh: Nguyễn Diệp
Hệ thống ao hồ nuôi cá giống và cá thịt được xây dựng khá bài bản với cùng nguồn nước được dẫn từ con suối Ia Púch vào hệ thống ao hồ và được kiểm định rất chặt chẽ để đảm bảo cho cá sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo kế hoạch, trong năm 2013 Trung tâm sẽ ương 70 triệu cá giống các loại như: trắm, chép, rô phi… đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về diện tích và chủng loại cá. Hiện tại với 30 ao, trong đó, 5 ao nuôi cá thương phẩm, 7 ao duy trì nuôi đàn cá bố mẹ sinh sản và 18 ao dùng ương cá giống phục vụ nhu cầu nuôi thả cá hiện nay của người dân.
Thời gian qua, cùng với tình trạng thiếu nước tưới trên cây trồng, toàn bộ khu vực Trung tâm Giống thủy sản đứng chân cũng không có một trận mưa nào để bổ sung nước cho các ao cá. Hiện đã có 9 ao không còn nước để cá sống buộc phải chuyển đàn cá sang các ao còn nước để duy trì chờ mưa. Được biết, nguyên nhân của tình trạng này là do nắng hạn kéo dài đã làm nguồn nước suối cạn kiệt.
Bên cạnh đó, thủy điện của Công ty TNHH một thành viên Chè Bàu Cạn tích nước phục vụ sản xuất điện và khi xả nước ra thì các hộ dân ven suối cũng đua nhau bơm tưới cà phê. Vì vậy, nguồn nước khi về đến kênh chính dẫn nước vào ao nuôi cá không còn đủ khả năng chảy vào nên mới dẫn đến tình trạng thiếu nước tại các ao cá như hiện nay.
Ông Đào Bá Lộc, thôn Thanh Bình, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông cho hay: “Tôi sinh sống ở đây gần 21 năm nhưng chưa khi nào lại thấy tình trạng hạn hán khốc liệt như năm nay. Ngoài các loại cây trồng bị thiếu nước tưới là điều khó tránh khỏi, việc nguồn nước đưa vào các ao nuôi cá nước ngọt của Trung tâm Giống thủy sản đang bị thiếu hụt như hiện nay là điều chưa từng xảy ra ở vùng này. Thể hiện rõ nhất là trước khi có Trung tâm, vùng này cũng đã có truyền thống nuôi ương cá nước ngọt từ nhiều năm trước đây chứ không phải đến bây giờ mới có. Đây là sự biến đổi của thời tiết”.
Ảnh: Nguyễn Diệp
Vỡ kế hoạch cá giống
Theo kinh nghiệm của những người nuôi cá, thường bắt đầu từ tháng 5 trở đi sẽ bắt đầu bước vào đợt thả cá giống để nuôi. Trong thời điểm hiện nay các cơ sở nuôi ương đang tích cực chuẩn bị con giống để phục vụ thị trường. Với tình trạng thiếu nguồn nước để cho cá sinh sản như hiện nay việc chuẩn bị ương con giống cung ứng ra thị trường của Trung tâm Giống thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Phạm Hữu Phước- Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản buồn bã cho hay: “Hiện tại nhiều ao của Trung tâm không có nước để bơm lên khu vực phục vụ cho cá sinh sản nhân tạo. Đây là một bất lợi và thiệt hại không nhỏ cho Trung tâm. Giai đoạn này đang là thời điểm của mùa ương cá giống; vì thiếu nguồn nước nên Trung tâm mới chỉ sản xuất được khoảng 2 vạn cá giống để cung ứng cho thị trường. Nếu thời gian tới đây nắng hạn tiếp tục kéo dài thì cá không thể sinh sản được.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất của Trung tâm. Trước thực tế này, trong những ngày qua, Trung tâm đã huy động cán bộ của đơn vị tích cực nạo vét hệ thống kênh mương dẫn nước từ suối Ia Púch vào hệ thống kênh chính để nước có thể vào ao cá, nhưng vẫn không thấm vào đâu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc ương cá mà việc duy trì đảm bảo đàn cá bố mẹ sinh sống cũng gặp khó”.
Thời tiết đang diễn biến thất thường không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các loại cây trồng, việc thiếu nguồn nước để duy trì đàn cá cũng đang bị đe dọa.