Việc sản xuất nhân tạo giống nhiều loài cá quý của Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang thành công đã giải quyết được vấn đề về con giống, cũng như bảo vệ được nguồn lợi cá quý tự nhiên đang có nguy cơ cạn kiệt.
Theo kỹ sư Trần Quang Nghĩa (Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang) cá bỗng, một loại cá quý hiếm trên sông có khi cả chục năm mới sinh sản một lần nên việc nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo là rất cần thiết. Người nuôi phải “săn” từng con cá giống một từ những người làm nghề chài lưới đánh bắt trên sông Lô, sông Gâm nhưng lượng cá bắt được làm giống rất hạn chế, không thể đáp ứng được nhu cầu của người nuôi.
Cán bộ Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang kiểm tra sinh sản của cá trắm đen.
Trước tình hình khan hiếm về cả nguồn giống lẫn nguồn cá thương phẩm cung cấp cho thị trường, năm 2007, Trung tâm Thủy sản thực hiện dự án sinh sản nhân tạo cá bỗng. Do các thao tác đều phải thực hiện thủ công, ngoài kiến thức đã học thì người làm công tác này phải dựa vào kinh nghiệm, học từ chính các thuyền chài. Cá bỗng sống trong điều kiện nước chảy, sạch sẽ và mát mẻ nên ao nuôi lúc nào cũng phải được đảm bảo các tiêu chuẩn trên. Sau khi có cá bố mẹ, tất cả các quy trình đều phải thực hiện bằng tay, nhiệt độ nước phải đo liên tục, sau vài bận thất bại, những lứa cá bỗng giống đầu tiên đã được cung cấp cho thị trường. Hiện mỗi năm Trung tâm Thủy sản cung cấp cho thị trường vài nghìn con giống cá bỗng, chủ yếu để bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các hồ, sông lớn trên địa bàn. Một số hộ chăn nuôi có điều kiện về diện tích ao thả đã nuôi thành công cá bỗng thương phẩm, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sau cá bỗng, Dự án cho sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm giống cá trắm đen do Trung tâm Thủy sản tỉnh thực hiện từ cuối năm 2010 và đã nghiệm thu lần đầu vào tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, do mới chỉ cho sinh sản được 1 lần với tỷ lệ con giống sống sót trên 1.000 con, nên Hội đồng khoa học tỉnh đã tiếp tục gia hạn cho trung tâm tiến hành thêm lần 2.
Cá trắm đen là giống cá sống trên các sông khu vực phía Bắc, tuy nhiên vài năm trở lại đây do tình hình đánh bắt và do nhu cầu của người dân nên số lượng đàn cá giống suy giảm nghiêm trọng. Để có đàn cá bố mẹ duy trì và nhân giống, Trung tâm Thủy sản tỉnh phải đặt mua từ Mê Linh (Hà Nội). Vì kỹ thuật cho sinh sản nhân tạo tương đối phức tạp, lại phải thao tác nhanh và đòi hỏi kỹ thuật nên Trung tâm Thủy sản phải làm đi làm lại đến lần thứ 5 mới thành công. Trong số 20,5 triệu con cá giống Trung tâm cung cấp từ đầu năm đến nay, đã có hơn 800 con cá giống trắm đen được cung cấp cho các hộ nuôi có nhu cầu. Từ dự án này, kỹ sư Nghĩa đang hoàn tất hồ sơ tham gia cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật” tỉnh Tuyên Quang năm 2013.
Mục tiêu đến năm 2015, Trung tâm Thủy sản tiếp tục nhận chuyển giao kỹ thuật từ Viện Nuôi trồng thủy sản I công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá dầm xanh, anh vũ và cá chiên. Đặc biệt cá dầm xanh, anh vũ hiện đã được sản xuất nhân tạo thành công tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, sẽ đưa thế hệ F1 này lên nuôi tại Trung tâm thủy sản vừa để cá dầm xanh, anh vũ làm quen với nhiệt độ, nguồn nước địa phương, vừa tạo cơ hội để những kỹ sư thủy sản có thêm điều kiện tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật mới.