(Thủy sản Việt Nam) – Carnival Hạ Long, Festival Huế hay Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản chắc chắn sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho chuyến du lịch của bạn trong tháng 4 này.
1. Carnival Hạ Long
Tuần Du lịch Hạ Long – Quảng Ninh (Carnival Hạ Long 2012) được tổ chức từ ngày 24/4 – 2/5 tại trung tâm TP. Hạ Long, khu du lịch Bãi Cháy, Tuần Châu và các hoạt động phụ trợ trải dài trên địa bàn TP. Móng Cái, Uông Bí và các huyện lân cận. Điểm nhấn đáng chú ý tại Carnival Hạ Long 2012 chính là việc Hạ Long sẽ được đại diện của Tổ chức New7wonders trao biểu tượng chính thức trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới vào ngày 1/5.
2. Pháo hoa Đà Nẵng
Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế “Sắc màu Đà Nẵng” sẽ diễn ra trong hai đêm 29 và 30/4, với sự tham gia của 4 đội vô địch là Canada (2008), Trung Quốc (2009), Pháp (2010), Italia (2011) và đội chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam). Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng năm nay không chỉ dừng lại ở những màn pháo hoa ấn tượng mà còn có nhiều hoạt động mới như khu ẩm thực, chợ đêm, biểu diễn âm nhạc đường phố…
3. Festival Huế 2012
Đến hẹn lại lên, Festival Huế năm nay có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” diễn ra từ ngày 7 – 15/4. Festival 2012 quy tụ hàng loạt các chương trình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật Cung đình Huế và đặc trưng các vùng di sản văn hóa của đất nước. Ngoài ra còn có tới 20 đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ tên tuổi đến từ nhiều quốc gia của cả 5 châu lục.
4. Tết Chol ChNam ThMay Nam Bộ
Chol ChNam ThMay là Tết truyền thống của cộng đồng người Khmer Nam Bộ, được tổ chức vào các ngày 14, 15 và 16/4 dương lịch (nếu năm nhuận thì bắt đầu từ ngày 13/4 dương lịch). Tết này mang ý nghĩa tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt. Bên cạnh đó, Chol ChNam ThMay còn là thông điệp của người sản xuất nông nghiệp về thời tiết, chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới. Những ngày này, về ĐBSCL – nơi có hơn 1.300 ngàn người Khmer sinh sống, đâu đâu cũng trong không khí rộn ràng, đầm ấm và sâu lắng niềm vui.
5. Tết té nước
Tết té nước diễn ra tại các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Tiểu thừa như Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia từ ngày 13 – 15/4 và hầu hết đều có nhiều điểm chung về hình thức. Người Thái Lan gọi Tết té nước là Songkran, người Lào gọi là Bunpimay, Myanmar là Thingyan và ở Campuchia là Chol ChNam ThMay. Điểm nhấn của lễ hội độc đáo này chính là lúc mọi người té nước vào nhau như cách thể hiện thay lời cầu chúc năm mới nhiều may mắn, khỏe mạnh và hạnh phúc.
6. Lễ hội hoa anh đào
Tại Nhật Bản, Hàn Quốc tháng 4 và 5 hàng năm là thời điểm hoa anh đào đua nhau khoe sắc. Năm nay, hoa anh đào nở chậm một tuần do ảnh hưởng từ đợt không khí lạnh bất thường hồi tháng 3. Tuy nhiên, theo cơ quan dự báo thời tiết quốc gia, vào đúng ngày lễ hội chính thức bắt đầu (31-3), người yêu hoa đã có cơ hội thưởng lãm những sắc hoa đầu tiên. Được mệnh danh là dấu hiệu báo mùa xuân về, sự bừng nở của hoa anh đào được coi là sự kiện được yêu thích nhất xứ sở mặt trời mọc. Người dân từ khắp Nhật Bản và cả những du khách yêu hoa náo nức quy tụ về những địa điểm lý tưởng để ngắm hoa, không những thế đó lại còn là nơi hẹn hò lý tưởng cho những bữa tiệc vui vẻ cùng bia hay rượu sake dưới tán những cây anh đào đầy sức sống.
Đậu Đậu