Ngày 19/2 (tức ngày 12 tháng Giêng), tại khu di tích đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định đã diễn ra nghi lễ “rước Nước, tế Cá”, cầu mong mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp lúa nước; đồng thời tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn với sông nước.
Đây là một trong ba nghi lễ chính của Lễ hội khai Ấn đền Trần Nam Định, gồm rước kiệu Ngọc Lộ, rước Nước – tế Cá và nghi lễ khai Ấn (sẽ tổ chức vào đêm 21/2, tức 14 tháng Giêng)…
Vào 6 giờ sáng tại đền Cố Trạch người dân tề tựu lại để làm lễ, sau đó đoàn tổ chức rước kiệu từ đền Cố Trạch ra Giếng cổ, ao thả cá, tại đây thực hiện các nghi thức lấy nước, đánh bắt cá, rước Nước, rước Cá về đền Thiên Trường thực hiện nghi lễ dâng Nước, tế Cá. Nghi lễ được kết thúc bằng việc phóng sinh cá tế tại đoạn sông Hồng chảy qua khu vực nằm gần Đền Trần Nam Định… Người được cầm bình đi lấy nước thay mặt dân làng đưa bình ra kiệu rồi phủ một tấm vải đỏ thắm lên trên.
Đoàn rước gồm hơn 200 người gồm có cờ, biểu đi trước, chiêng trống, đội bát âm, kiệu rước Nước, kiệu rước Cá với đoàn tế và dân làng đi theo sau. Tại bến sông, chỗ lấy nước, dân làng đã bố trí các thuyền được trang trí cờ hoa. Đoàn rước ra tới nơi, thuyền nhổ neo đưa mọi người ra giữa sông rồi dừng lại làm lễ.
Người được cầm bình đi lấy nước phải có uy tín, đạo đức và được dân làng tuyển chọn
Theo nhịp trống chiêng, những gáo nước trong giữa dòng được múc lên, long trọng đổ vào bình qua lần vải. Khi bình đầy nước, chiếc bình được chuyển lên kiệu và đoàn rước nước theo đường cũ trở về đền. Nước được múc chuyển vào các bát đưa lên ban thờ và lúc này dân làng tổ chức tế.
Cá tế gồm một đôi cá triều đẩu (cá quả) và long ngư (cá chép), trọng lượng khoảng 2 kg/con. Đây là những con cá sống, khỏe mạnh, được dựng trong thùng sơn đỏ, đặt trước bát nhang công đồng. Buổi tế Cá diễn ra từ sáng đến trưa, sau đó cá được rước đi phóng sinh ở sông Hồng.