(TSVN) – Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, những năm qua, khu sản xuất và cung ứng giống thủy sản Bản Ngà (Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn), tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc đã chú trọng công tác ương nuôi để tạo con giống thủy sản đảm bảo chất lượng, tăng năng suất vụ nuôi.
Khu sản xuất và cung ứng giống thủy sản Bản Ngà có 5 ao nuôi, tổng diện tích khoảng 1,9 ha mặt nước, cung ứng khoảng 1,2 đến 1,8 triệu con cá giống các loại mỗi năm.
Được biết, từ năm 2016, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư, hỗ trợ khu sản xuất và cung ứng giống thủy sản Bản Ngà thực hiện quy trình khép kín nuôi cá bố mẹ để sinh sản và cung ứng được đàn cá giống chất lượng cho người dân. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết ở địa phương ảnh hưởng đến việc sinh sản của cá. Do đó, cá sinh sản muộn hơn so với các tỉnh khác trong cùng khu vực. Đồng thời, người dân trên địa bàn tỉnh cũng không có nhu cầu nuôi cá bột, nên khu sản xuất và cung ứng giống thủy sản Bản Ngà đã chuyển hướng sang ương nuôi cá bột thành cá hương và nuôi lên cá giống để đáp ứng nhu cầu người dân.
Giống cá chất lượng góp phần nâng cao năng suất vụ nuôi. Ảnh: ST
Ông Linh Văn Biên, xã Đồng Heo, huyện Hữu Lũng cho biết, gia đình ông đào ao thả cá từ năm 2019 với diện tích 0,3 ha, chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, trôi. Sau khoảng 1 năm nuôi, cá đạt trọng lượng từ 1,5 – 2 kg/con, trung bình mỗi năm, gia đình thu nhập gần 80 triệu đồng. Theo ông Biên, để nuôi cá đạt hiệu quả cao, thì yếu tố cần quan tâm đầu tiên là chất lượng con giống. Do đó, ông lựa chọn mua cá giống tại khu sản xuất và cung ứng thủy sản Bản Ngà. Bởi qua các vụ nuôi, cá khỏe mạnh, phát triển tốt và không có dịch bệnh. Đây cũng là địa chỉ tin cậy của người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Để tạo ra con giống chất lượng, sạch bệnh, nhiều năm qua, cán bộ tại khu sản xuất và cung ứng giống thủy sản Bản Ngà luôn thực hiện chặt chẽ từng công đoạn trong quá trình sản xuất. Cá bột được nhập trực tiếp từ Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên. Trước khi vào vụ nuôi, công tác cải tạo, chuẩn bị ao ương được thực hiện theo đúng quy trình. Nước lấy vào ao được lọc qua lưới, sau khi diệt tạp và khử trùng nước từ 5 – 7 ngày rồi tiến hành gây màu nước để thả cá. Việc gây màu nhằm tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá bột. Trong quá trình ương, thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, theo dõi hoạt động của cá và
có biện pháp điều trị kịp thời khi phát hiện cá nhiễm bệnh. Ngoài ra, định kỳ 1 lần/tuần gây màu nước để đảm bảo thức ăn cho cá và. Nhờ đó, các loại cá giống được sản xuất ra đều đảm bảo chất lượng, khỏe mạnh, không có dịch bệnh.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, những năm qua, phát huy thế mạnh mặt nước sẵn có, phong trào NTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, góp phần thay đổi phương thức sản xuất từ khai thác thủy sản tự nhiên sang nuôi trồng có đầu tư theo quy trình kỹ thuật.
Đặc biệt, nhờ chú trọng sản xuất và cung ứng nguồn giống cá chất lượng đã góp phần phát triển diện tích nuôi thủy sản, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có diện tích NTTS trên 1.200 ha, sản lượng thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 1.400 tấn, trong đó, sản lượng cá ước hơn 1.330 tấn, tăng 4,47% so cùng kỳ năm trước.
Để nâng cao chất lượng sản xuất giống thủy sản, thời gian tới, khu sản xuất và cung ứng thủy sản Bản Ngà sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, cung cấp cho người nuôi những giống cá thương phẩm có chất lượng và sạch bệnh, góp phần từng bước chủ động về con giống, rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao sản lượng, giá trị trên cùng diện tích mặt nước.
>> Năm 2023, khu sản xuất và cung ứng thủy sản Bản Ngà sẽ ương nuôi khoảng 1,2 triệu con cá bột các loại: trôi, chép, trắm... Đến hết tháng 9/2023, đã cung ứng trên 987 nghìn con cá giống, giải quyết một phần nhu cầu giống tại chỗ cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Lê Loan