(TSVN) – Năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đạt hơn 4,4 tỷ USD, đưa UAE trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi. Tuy nhiên, UAE lại là thị trường có tính cạnh tranh rất khốc liệt, đây cũng là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng thị phần tại đây.
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang UAE có thể kể đến như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị… tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Nếu như năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE chỉ đạt 140 triệu USD thì đến năm 2022 con số này là 3,85 tỷ USD. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE ước đạt trên 1,12 tỷ USD, tăng mạnh 22,14% so cùng kỳ năm 2022.
Với vị trí địa lý chiến lược, hệ thống logistics hiện đại, UAE là cửa ngõ quan trọng và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và mở rộng ra các thị trường Trung Đông, châu Phi và châu Âu. UAE được coi là một thị trường mở và hầu như không có rào cản thương mại. UAE hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, máy móc, điện thoại sản phẩm điện tử… để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo ông Trương Xuân Trung, Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE, có một số sản phẩm của Việt Nam đang chiếm thị phần lớn và tiếp tục có khả năng xuất khẩu sang thị trường UAE trong năm nay. Cụ thể, nhóm thủy sản, theo số liệu thống kê năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang UAE tăng trên 18% so năm 2021. Riêng mặt hàng cá tra đông lạnh, fillet, Việt Nam đang đứng đầu thế giới xuất khẩu vào UAE, chiếm trên 50% thị phần. Hiện một số đối tác UAE có nhu cầu nhập khẩu thủy sản, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng xuất khẩu liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại UAE để được giới thiệu với đối tác.
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của Việt Nam thời gian qua đã giúp hoạt động thương mại quốc tế, trong đó nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu được vào các thị trường cho giá trị gia tăng lớn. Với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA), theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Hiệp định không chỉ giúp xuất khẩu trực tiếp hàng hóa sang UAE, mà còn giúp hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông thông qua “cửa ngõ” UAE.
Nguồn: TCHQ; biều đồ: TSVN
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và TS Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE đã ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán CEPA ngay sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục trong nước. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn, mở ra giai đoạn mới về hợp tác chiến lược chung trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và UAE. Đặc biệt, UAE được coi là trung tâm tài chính, thương mại của Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam vào Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Hơn nữa, UAE có vị trí địa lý chiến lược, có hệ thống logistics hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và mở rộng ra thị trường toàn cầu.
Bên cạnh những lợi thế trên, theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại UAE, đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt cả về giá và chất lượng và đây cũng chính là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Một thách thức nữa đó là các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp từ một số quốc gia mà họ đã ký FTA với UAE như: Ấn Độ, Indonesia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ…; do doanh nghiệp của các nước này đã được hưởng ưu đãi khi xuất hàng vào UAE, nên họ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Vì vậy, để có thể thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào UAE, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thay đổi phương thức quản lý, giảm thiểu các chi phí trung gian, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam. Ngoài ra, do UAE là quốc gia Hồi giáo, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu về văn hóa và nhu cầu tiêu dùng của người Hồi giáo, xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal cho các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, thời trang Hồi giáo… khi xuất khẩu vào thị trường này.
Cơ hội mở rộng thị trường Israel
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Israel đã hoàn tất, có ý nghĩa đặc biệt, giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thêm cánh cửa để mở rộng thị trường. Trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel không ngừng tăng nhanh từ 1,58 tỷ USD trong năm 2020 lên 1,89 tỷ USD trong năm 2021 và đạt 2,23 tỷ USD trong năm 2022, tăng 17,85% so năm trước đó. Hiện tại, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Theo VASEP, hàng năm, Israel thuộc trong top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra... Trong đó, năm 2022 xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20. Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao.
Xuân Lan