(TSVN) – Ngày 18/10 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Tổ chức CropLife Châu Á tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững”. Diễn đàn là cơ hội để các bên cùng đối thoại, trao đổi về công nghệ và đổi mới ngành nông nghiệp, góp phần đáp ứng các mục tiêu về nông nghiệp bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Theo ước tính, khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% vào thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam. Công nghệ sinh học và những công cụ canh tác tiên tiến ứng dụng nhận dạng tự động (AIS) và số hoá là chìa khóa cho phép nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường, từ đó nâng cao năng suất cải thiện chất lượng. Ngoài ra, công nghệ cũng hỗ trợ nông dân canh tác thân thiện hơn với môi trường như sử dụng nguyên liệu đầu vào tiết kiệm hơn, giảm phát thải, giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên như: đất đai, nước.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn tại Hà Nội.
Trong những năm qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Năm 2022, ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 3%, trong đó, Thủy sản tăng 4,43%. Nhiều sản phẩm chủ lực không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài, chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc,… Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên đạt mốc 10,9 tỷ USD, chiếm 2,9% cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, tăng 23,1% so với năm 2021. Để có được những thành công đó phải kể đến sự góp mặt của khoa học công nghệ. Trong giai đoạn 2020-2023, có 36 tiến bộ kỹ thuật được Bộ NN&PTNT công nhận phục vụ sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Khoa học kỹ thuật đã giúp Việt Nam xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trong thủy sản và chăn nuôi. Chọn lọc, nghiên cứu bảo tồn các con giống tốt, tái sử dụng chất thải trong chăn nuôi một cách phù hợp, nghiên cứu thành công một số loại vắc xin đáp ứng miễn dịch trên vật nuôi. Việt Nam đã định hướng trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững trong thời gian tới. Theo đó, nước ta sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống lương, thực thực phẩm theo hướng “xanh”, ít phát thải và bền vững thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.
Tại Diễn đàn, các diễn giả đã đánh giá tổng quan về việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới; thảo luận những vấn đề đang phải đối mặt, những thách thức trong nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và xác định được những ưu tiên, định hướng trong nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam. Từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao, các ứng dụng khoa học công nghệ… nhằm phát triển bền vững, mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế – xã hội cho người nông dân.
Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) và Hiệp hội CropLife Châu Á ký Biên bản ghi nhớ hợp tác
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) và Hiệp hội CropLife Châu Á đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng giải pháp, công nghệ tiên tiến như sinh học trong nông nghiệp giai đoạn 2023-2030. Hai bên sẽ thúc đẩy các hoạt động truyền thông, chia sẻ thông tin, tư vấn chính sách, đào tạo tập huấn, hội thảo khoa học chuyên sâu để cập nhật, khuyến khích ứng dụng các giải pháp, thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiên tiến hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam. Ngoài ra để nông dân có thể tiếp cận kịp thời với công nghệ, các giải pháp đổi mới trong nông nghiệp cũng như sử dụng có trách nhiệm những công cụ này, cần có cách tiếp cận toàn diện và có hệ thống, ngoài ra cần củng cố các chính sách khuyến khích đổi mới nông nghiệp dựa trên khung pháp lý minh bạch, có cơ sở khoa học, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)