Ngày 29/5, tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2014, Chính phủ đã thông qua những nguyên tắc cơ bản dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản với những ưu đãi đặc biệt giúp ngư dân vươn khơi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp thường kỳ 5/2014
Lãi suất 3% trong 11 năm để đóng tàu lớn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện nay phát triển thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, tồn tại như phần lớn tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ, vỏ gỗ, máy móc cũ, lạc hậu, công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên tàu rất thô sơ, chủ yếu bảo quản bằng nước đá cây, do đó, ít tàu có khả năng khai thác xa bờ, rủi ro lớn khi có thiên tai, địch hại, chi phí sản xuất cao, tổn thất sau khai thác lớn (khoảng 20 – 25%), giảm đáng kể hiệu quả đi biển của ngư dân.
Trên cơ sở này, Bộ NN&PTNT đề nghị Nghị định tập hợp, quy định rõ và mạnh hơn các chính sách đầu tư và quan trọng theo hướng nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu cho cảng cá loại I, tất cả các khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản… đầu tư 100% kinh phí xây dựng toàn bộ hạng mục hạ tầng cảng cá, khu neo đậu ở các đảo.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất chính sách tín dụng mới so với chính sách hiện có. Đó là giảm lãi suất, thực hiện ân hạn để đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần. Nhóm chính sách này quy định 2 vấn đề: Cho vay đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản…; cho vay ngắn hạn vốn lưu động sản xuất trên biển. Cụ thể, chính sách tín dụng đối với vay vốn trung, dài hạn cho đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản có hạn mức vay 90% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới; 70% giá trị dự án vay đối với tàu vỏ gỗ (bao gồm cả ngư cụ, thiết bị). Thời hạn vay là 10 năm đối với tàu vỏ thép, 7 năm đối với tàu vỏ gỗ. Lãi suất tối đa 3%/năm, thời gian ân hạn 1 năm; tài sản thế chấp được sử dụng giá trị tàu đóng mới, tàu cải hoán, nâng cấp để bảo đảm vốn vay.
Ngoài ra, chính sách bảo hiểm mở rộng cả đối tượng và phạm vi áp dụng nhằm khuyến khích, giảm rủi ro cho ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ, tăng cường sự hiện diện dân sự trên các vùng biển chủ quyền. Theo đó hỗ trợ hằng năm 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu; 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người cho thuyền viên trên tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ là thành viên các tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng bày tỏ hoàn toàn đồng tình với những hỗ trợ mạnh mẽ cho ngư dân và cho rằng đánh bắt xa bờ phải ra Hoàng Sa, Trường Sa, tàu phải trên 1.000 CV trở lên. Lãi suất 3% là đáp ứng được yêu cầu.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng ý với những đề xuất của Bộ NN&PTNT. Thủ tướng khẳng định, những ngư dân yêu nghề bám biển không có vốn thì nhà nước hỗ trợ, làm sao chính sách khuyến khích nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ. “Quan trọng nhất là chính sách tín dụng và bảo hiểm, tín dụng cao quá thì ai đóng tàu nổi, do vậy cho thế chấp bằng con tàu đã được hỗ trợ mua bảo hiểm”, Thủ tướng nói.
Mục tiêu là Trung Quốc phải rút giàn khoan
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tháng 5 có một vấn đề tác động đến kinh tế xã hội đất nước là việc Trung Quốc ngang ngược, đưa giàn khoan 981 hạ đặt, thăm dò vào vùng biển thuộc khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước sự việc này, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại; đến nay đã có hơn 30 cuộc giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình bằng biện pháp hòa bình. Trong đó, sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đấu tranh bằng dư luận, thông tin trung thực cho nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hành vi xâm phạm của Trung Quốc cũng như các biện pháp đấu tranh hòa bình của Việt Nam; kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc. “Nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình.
Lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình”, Thủ tướng cho biết thêm.
Trước đó, trình bày báo cáo kinh tế – xã hội 5 tháng đầu năm, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết hầu hết doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM và Hà Tĩnh đã hoạt động trở lại. Ông Bùi Quang Vinh kiến nghị thành lập Tổ Công tác liên ngành ở cấp trung ương để hỗ trợ các DN bị thiệt hại. Thành phần của Tổ công tác này gồm đại diện các đơn vị liên quan của các bộ ngành. Thủ tướng lưu ý trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác sâu rộng thì tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với hướng đa dạng thị trường xuất nhập khẩu, du lịch, đầu tư, lao động. Thủ tướng chỉ đạo ngày 5/6 tới đây, Bộ KH&ĐT tổ chức tốt ngày Diễn đàn DN Việt Nam để tiếp tục lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho DN. “Về thiệt hại của DN đây là sự việc bất khả kháng nên chúng ta có chính sách hỗ trợ. Cơ chế chung hỗ trợ đã có, đi vào từng DN cần xác định tính toán cụ thể và chính sách đặc thù”, Thủ tướng chỉ đạo.
>> “Nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |