Vẫn phải ưu tiên giữ tôm sú

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là nội dung chính được bàn luận tại hội thảo “Định hướng chiến lược nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam” do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 6/8/2013 vừa qua.

TTCT phát triển quá nhanh

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2005, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) chỉ 13.455 ha (tôm sú là 587.024 ha). Sau 5 năm, diện tích tôm sú đạt 613.718 ha, trong khi diện tích TTCT 15.397 ha. Năm 2012, tôm sú là 613.367 ha, trong khi TTCT đã lên tới 41.789 ha.   

TTCT được nuôi công nghiệp với năng suất cao nên tổng sản lượng của loại tôm này đã tăng rất nhanh. Năm 2005, sản lượng tôm sú là 264.161 tấn, TTCT 40.096 tấn. Năm 2012, sản lượng tôm sú là 301.763, trong khi TTCT đạt kỷ lục là 186.197 tấn.

Năng suất của TTCT không ngừng gia tăng. Năm 2005, năng suất tôm sú 450 kg/ha, TTCT là 2.980 kg/ha; năm 2012, tôm sú 490 kg/ha, TTCT đạt tới 4.460 kg/ha, tức cao gấp hơn 9 lần. Cán cân sản lượng giữa tôm sú và TTCT sẽ thay đổi lớn. 

Không những vậy, TTCT đã xuất hiện khắp mọi nơi. Mặc dù được khuyến cáo việc phát triển TTCT có thể gây những tác hại về đa dạng sinh học cũng như nguồn tôm sú bản địa, nhưng hiện nay diện tích TTCT lớn nhất lại tập trung tại ĐBSCL, gây ra sự cạnh tranh gay gắt giữa hai loại tôm nội và ngoại. Địa phương có diện tích TTCT lớn nhất là Long An với 4.052 ha, Bến Tre 4.165 ha, Sóc Trăng 4.711 ha. Các tỉnh khác như: Bạc Liêu 1.300 ha, Cà Mau 1.272 ha, Tiền Giang 1.696 ha.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho biết: “Các tỉnh miền Trung và miền Bắc đang lấy TTCT thay thế dần tôm sú”. Theo giải thích của Bộ, tình trạng phát triển ồ ạt TTCT là: “Vì TTCT có thời gian nuôi ngắn, có thể nuôi mật độ dày để đạt năng suất cao, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích”.

 

Tôm sú đang bị tôm thẻ chân trắng lấn át cả về diện tích lẫn sản lượng – Ảnh: Lê Hoàng Vũ     

Giới hạn phát triển tại Việt Nam?

Một số chuyên gia cho biết, hiện nay các nước châu Á đã mở cửa cho nuôi TTCT. Tuy vậy, việc kiểm soát của họ rất nghiêm ngặt. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cho biết, Thái Lan chỉ cho phép nuôi quy mô công nghiệp khép kín. Ở Indonesia cũng tương tự, họ chỉ cho phép nuôi ở khu nuôi công nghiệp riêng biệt.  

 Trong khi đó Trung Quốc cho phát triển tràn lan để lấy sản lượng. Nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Thanh Lựu (Hội Nghề cá Việt Nam), dẫn theo tài liệu của FAO, năm 2010 sản lượng TTCT của Trung Quốc là 1.326 triệu tấn, chiếm 95,6% sản lượng, còn lại là tôm sú với vỏn vẹn 60,7 ngàn tấn.

Việc phát triển TTCT ở Việt Nam gây nhiều quan ngại. Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống. Chi phí cho con giống khá lớn mà hiệu quả bấp bênh. 

Dịch bệnh tôm chết sớm tràn lan thời gian qua đã được các nhà khoa học quốc tế kết luận xuất phát từ Trung Quốc vào Việt Nam (tuy nhiên chưa rõ qua tôm sú hay TTCT) và hiện đang hoành hành ở Thái Lan. Dự báo năm nay, Thái Lan sẽ bị thiệt hại khoảng 40% sản lượng do tôm chết (Tiến sĩ Lê Thanh Lựu dẫn tài liệu của FAO, năm 2011 Thái Lan đã nuôi 99,6% là TTCT với tổng sản lượng 511.000 tấn, trong khi tôm sú chỉ còn 2.000 tấn. Điều đó đồng nghĩa dịch bệnh đang xảy ra chủ yếu với TTCT).  

Tương tự ở Việt Nam, năm 2012, tổng diện tích tôm bị dịch bệnh là 100.776 ha. Trong đó, diện tích tôm sú thiệt hại 93.708 ha, TTCT thiệt hại 7.068 ha. Thoạt nhìn, có thể tưởng tôm sú thiệt hại nghiêm trọng, nhưng thực tế tôm sú được nhiều nơi nuôi quảng canh nên có diện tích lớn. Nếu tính sản lượng TTCT cao gấp 9 lần tôm sú, thì với diện tích 7.068 ha nuôi TTCT bị thiệt hại, tương đương 63.612 ha tôm sú.

6 tháng đầu năm năm 2013, diện tích tôm sú bị bệnh chỉ còn 28.556 ha, thì diện tích TTCT bị bệnh vẫn ở mức 4.483 ha (nếu quy về sản lượng, diện tích này tương đương với 40.347 ha tôm sú) và bằng 124% cùng kỳ năm ngoái.

Nuôi trồng bền vững trước hết phải hạn chế được dịch bệnh. Còn nhớ chính dịch bệnh đã từng xóa sổ ngành nuôi tôm của Đài Loan. Năm 1998, sản lượng tôm Đài Loan từ 100.000 tấn chỉ còn 20.000 tấn vì dịch bệnh. Đài Loan đã gần như từ bỏ ngành nuôi tôm và chuyển hướng chuyển giao công nghệ sang các nước khác. 

 

Có điều kiện nuôi TTCT

Đại diện Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, mặc dù chưa được cho phép nhưng “một số hộ dân đã tự động thả TTCT ra quảng canh, nuôi chung với tôm sú bản địa”. Đúng như cảnh báo của các nhà khoa học, việc cạnh tranh thức ăn diễn ra, cả hai loài tôm đều rất chậm lớn. Tình trạng này cũng diễn ra ở Cà Mau. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo: “Việc thả TTCT tràn lan quảng canh là điều không thể chấp nhận được”. Theo ông, để duy trì sản lượng, cần phải giữ con tôm sú.

Đại diện Sở NN&PTNT Bình Thuận nhận định: “Nuôi TTCT phải có điều kiện”. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc cũng chia sẻ: “Năm 1998, các cơ quan nhà nước đã cảnh báo về TTCT. Việc nuôi loại tôm này phải có điều kiện, đó là điều quan trọng”. 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thẳng thắn: “Sắp tới cần phải rà soát lại quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ trong đó có diện tích nuôi TTCT”. Theo ông Tuấn: “Nhiệm vụ cần kíp là phải đầu tư và làm chủ được con giống, cũng như kiểm soát dịch bệnh”.   

>> Theo Tổng cục Thủy Sản, 6 tháng đầu năm, diện tích thả giống tôm bằng 92,4% cùng kỳ. Trong đó, diện tích thả TTCT bằng 143% cùng kỳ, trong khi tôm sú chỉ bằng 91,4%. Điều đáng lo ngại là dịch bệnh TTCT đang tăng nhanh. Diện tích TTCT bị thiệt hại trong 6 tháng đầu năm chiếm 17,1% diện tích thả nuôi, bằng 124% so với năm 2012.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!