Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn góp ý Dự thảo Nghị định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước do Bộ Tài chính soạn thảo và vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý.
Góp ý Điều 9 về thời hạn cho vay, VASEP cho rằng nên chọn phương án 2, bổ sung thêm điều khoản Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian vay vốn đối với một số trường hợp đặc biệt sau khi có sự chấp thuận của Chính phủ. Đối với dự án trọng điểm quốc gia nhất thiết phải vay vốn tín dụng đầu tư trên 12 năm, các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngành nghề cần hỗ trợ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội trong điều kiện thị trường không thuận lợi.
Chế biến thuỷ sản XK. (Ảnh Internet).
Nguyên nhân do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan như: thiên tai, giải phóng mặt bằng, chi phí sản xuất luôn thay đổi và tăng cao… đã ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất, kinh doanh, nên đối với những đối tượng gặp khó khăn này cần phải có chính sách phù hợp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Về Điều 12 lãi suất cho vay, VASEP đề nghị bỏ “chi phí dự phòng rủi ro” (quy định tại Khoản 1) trong cách tính lãi suất cho vay do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định hàng tháng và niêm yết công khai. Đối với mức lãi suất nợ quá hạn đối với mỗi khoản giải ngân (quy định tại Khoản 3) nên chia theo khung thời gian, không nên áp dụng theo 1 mức là 150% mà tăng dần theo thời gian nợ quá hạn. Ví dụ: Nợ quá 3 tháng khác với 6 – 9 – 12 tháng hoặc trên 1 năm.
Lý do theo Hiệp hội là để tạo thêm điều kiện cho những DN chấp hành tốt quy định nhưng vì 1 lý do nào đó mà chậm thanh toán, nhưng thời gian chậm không nhiều so với DN nợ dài ngày, để hỗ trợ DN giảm bớt chi phí đầu vào, tăng năng lực cạnh tranh.
Đối với phụ lục I về danh mục các Dự án vay vốn tín dụng đầu tư, VASEP kiến nghị bổ sung thêm vào Mục II (lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn) các dự án công trình thủy lợi, điện phục vụ cho nuôi thủy sản.
Lý do VASEP cho rằng hiện nay các công trình thủy lợi phục vụ cho nuôi thủy sản còn thiếu và yếu, chưa được đầu tư thỏa đáng so với thực tế và nhu cầu phát triển. Thời gian qua người nuôi sử dụng nguồn nước theo các kênh thủy lợi nông nghiệp trồng lúa, hoặc các kênh còn hạn chế về kiểm soát nên đã tác động gây thiệt hại cho người nuôi do dịch bệnh và nhiễm kháng sinh.
Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư để xây dựng và hoàn thiện các vùng nuôi trọng điểm với hệ thống thủy lợi và hệ thống điện lưới hiện đại để phục vụ cho nuôi thủy sản, giảm bớt tình trạng dịch bệnh, góp phần tăng năng suất và sản lượng nuôi.