T2, 06/07/2020 09:50

Về Bắc Ninh, xem Hội Nghề cá vượt qua “ba không”

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thành lập từ năm 2001, tuy nhiên 10 năm qua, Hội Nghề cá Bắc Ninh vẫn hoạt động trong điều kiện “ba không”. Để duy trì và phát triển, Hội đã có những giải pháp khắc phục khó khăn, đưa công tác Hội ngày một đi lên.

Khó như “ba không”

Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ II của Hội Nghề cá Bắc Ninh, trong 10 năm qua, Hội đã phải hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, không địa điểm, phương tiện làm việc, không kinh phí hoạt động và không biên chế cán bộ. Để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Hội Nghề cá Bắc Ninh đã khắc phục bằng cách vận động sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Hội, tận dụng phương tiện cá nhân để làm việc và cán bộ phụ trách Hội làm kiêm nhiệm trên tinh thần yêu thích nghề cá. Ông Trần Đình Căn, Chủ tịch Hội Nghề cá Bắc Ninh cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay của Hội là địa điểm làm việc và tổ chức hội họp những lúc cần thiết. Phần lớn phải luân chuyển và mướn nhà ở của các thành viên trong BCH Hội làm nơi hội họp và làm việc. Nhiều chuyến đi công tác Hội, anh em phải bỏ tiền túi ra để trang trải.


Bắc Ninh đã chủ động được nguồn giống thủy sản và cung cấp cho nhiều địa phương khác                Ảnh: Dương Hùng

  

Và những giải pháp khắc phục

Để phát triển Hội và thu hút hội viên tham gia, thời gian qua, Hội Nghề cá Bắc Ninh đã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Nhà nước, của Hội đối với người nuôi thủy sản. Gắn quyền lợi của hội viên với phong trào chung của Hội, qua đó phát động thi đua tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm, làm cho các hội viên hiểu và gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt. Ông Nguyễn Duy Kiếm, ủy viên BCH Hội chia sẻ: Do quyền lợi của hội viên chưa có, nên người làm công tác Hội gặp rất nhiều khó khăn trong tuyên truyền, vận động người nuôi cá tham gia sinh hoạt Hội. Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm, người làm công tác Hội còn phải có tình yêu đối con cá và phải là người đi đầu trong các phong trào do Hội phát động. 

Thực hiện chủ trương của tỉnh không mở rộng diện tích nuôi, mà phải tăng năng suất và chất lượng đầu ra, Hội Nghề cá Bắc Ninh đã tích cực tham mưu cho các cấp chính quyền cơ sở định hướng các loại cá giống nuôi chủ lực rô phi đơn tính, cá chép lai Ấn Độ; qui hoạch chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi thủy sản tập trung theo vùng 10 – 30 ha. Áp dụng các biện pháp tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn vệ sinh thủy sản đối với các trang trại, công ty cung ứng dịch vụ con giống, thức ăn trên địa bàn tỉnh như: Công ty Sông Thiên Đức, Hợp tác xã nghề cá Nam Sơn… Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn đóng trên địa bàn như: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Trường Cao đẳng Thủy sản Đình Bảng; các Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nâng cao tay nghề cho 100% hội viên theo hướng nuôi cá công nghiệp. Tiến hành rà soát, kiện toàn và sắp xếp lại các chi hội theo hướng thành lập Hội Nghề cá cấp xã và hợp tác xã nghề cá.

Với tinh thần vượt khó, yêu thích thuỷ sản và tận tâm với công việc, thời gian qua, Hội Nghề cá Bắc Ninh đã tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy về cách nghĩ, cách làm của các hội viên, tiến tới mạnh dạn đầu tư trong nuôi trồng thủy sản.


 

Những nét son đáng nhớ

Năm 2010, Hội Nghề cá Bắc Ninh trở thành thành viên chính thức của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, được Hội Nghề cá Việt Nam tặng giấy khen về công tác hội và các hoạt động liên quan như: Phong trào thi đua chi hội sản xuất giỏi đạt 100 triệu đồng/ha/năm, xuất hiện nhiều chi hội điển hình như: Chi hội Đại Lộc (huyện Gia Bình) đạt từ 110 – 116 triệu đồng/ha, Chi hội Phú Thọ (huyện Lương Tài) đạt 120 triệu đồng/ha, Chi hội thôn Guột (xã Yên Giả), Chi hội Thọ Ninh (xã Vạn Ninh, Gia Bình) đều đạt 100 triệu đồng/ha. Phong trào hội viên giúp đỡ nhau phát triển sản xuất ở xã Bình Dương (Gia Bình). Cung ứng giống, thức ăn và dịch vụ thuỷ sản đủ, đảm bảo chất lượng cho hội viên của Công ty Sông Thiên Đức, Hợp tác xã nghề cá Nam Sơn được hội viên khen ngợi. Ngoài ra, Hội Nghề cá Bắc Ninh còn có nhiều mô hình phát triển thủy sản hiệu quả mang tính điển hình, được nhiều nơi đến tham quan học tập.

Hà Hoàng


 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!